Lễ bế mạc SEA Games 31 đã diễn ra tại Cung Điền kinh Hà Nội. Sau khi lá cờ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á được hạ xuống, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thay mặt Việt Nam trao lá cờ này cho bộ trưởng du lịch Campuchia Thong Khon.
SEA Games 32 dự kiến diễn ra tại Campuchia từ 5-16/5/2023 và cũng là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á đầu tiên mà nước này đăng cai. SEA Games là sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á và là cơ hội giúp các nước chủ nhà quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá tới bạn bè trong khu vực. Cùng Ngày nay tìm hiểu một vài nét độc đáo của đất nước ''chùa tháp'' đã trở thành di sản được UNESCO công nhận.
Điệu múa ballet Hoàng gia.
Múa ballet Hoàng gia của Campuchia được ghi danh vào năm 2008 trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại (ban đầu được công bố vào năm 2003).
Nổi tiếng với những cử chỉ tay duyên dáng và trang phục lộng lẫy, Ballet Hoàng gia Campuchia, còn được gọi là Múa cổ điển Khmer, đã gắn bó chặt chẽ với triều đình Khmer hơn một nghìn năm. Các buổi biểu diễn theo truyền thống thường gắn với các nghi lễ của hoàng gia như lễ đăng quang, hôn lễ, tang lễ hoặc các ngày lễ của người Khmer.
Động tác tay uyển chuyển, đẹp mắt. |
Mang trong mình tính biểu tượng cùng vai trò thiêng liêng, điệu múa đã thể hiện những giá trị truyền thống của tâm linh cùng sự tôn nghiêm và tinh tế. Điệu múa này lưu giữ những truyền thuyết lâu đời, gắn liền với nguồn gốc của người Khmer. Do đó, người Campuchia từ lâu đã coi đây là một biểu tượng của văn hóa Khmer.
Có bốn kiểu nhân vật khác nhau tồn tại trong một tiết mục cổ điển: Neang đàn bà, Neayrong đàn ông, Yeak người khổng lồ và Sva khỉ. Mỗi người đều sở hữu màu sắc, trang phục, cách trang điểm và mặt nạ khác nhau. Mỗi tiết mục đều có dàn nhạc đệm, dàn hợp xướng cũng như người kể chuyện để làm nổi bật cảm xúc của các vũ công.
Sbek Thom, nhà hát bóng Khmer
Sbek Thom được ghi danh vào năm 2008 trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ban đầu được công bố vào năm 2005).
Sbek Thom là nhà hát bóng của người Khmer với những con rối không khớp nối, cao khoảng hai mét và được làm bằng da. Có niên đại từ trước thời kỳ Angkorian, Sbek Thom, cùng với Nhà hát Ballet và mặt nạ Hoàng gia được coi là những giá trị linh thiêng của Campuchia.
Các buổi biểu diễn dành riêng cho các vị thần nên chỉ có thể diễn ra vào những ngày lễ đặc biệt từ ba đến bốn lần một năm. Những dịp đặc biệt đó có thể là năm mới của người Khmer, sinh nhật của nhà vua hoặc ngày lễ để tỏ lòng kính trọng với những người nổi tiếng. Sau sự sụp đổ của Angkor vào thế kỷ 15, nhà hát bóng đã phát triển vượt ra ngoài hoạt động nghi lễ để trở thành một hình thức nghệ thuật.
Các buổi biểu diễn truyền thống thường diễn ra vào ban đêm, địa điểm thường ở ngoài trời bên cạnh cánh đồng lúa hoặc các ngôi chùa. Khi biểu diễn, những con rối được soi bóng trên một tấm phông được làm bằng vải trắng. Những người nghệ sĩ khiến cho các con rối trở nên sống động hơn với những bước nhảy uyển chuyển. Buổi biểu diễn còn có sự tham gia của dàn nhạc đệm và hai người dẫn chuyện.
Nửa đầu thế kỷ 20, hai đoàn kịch SBek Thom ở Phnom Penh và Battambang đã đi vào hoạt động. Chính phủ Campuchia cũng thành lập một số Nhà hát sân khấu kịch Sbek thom khác trên cả nước để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, các nhà hát bóng đang cố gắng để tiếp tục gìn giữ, lưu truyền những kiến thức, kỹ năng của nghề múa rối.
Chapei Dang Veng
Chapei Dang Veng được ghi vào năm 2016 trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Chapei Dang Veng là truyền thống âm nhạc Campuchia gắn liền với đời sống, phong tục và tín ngưỡng của người dân Campuchia. Chapei Dang Veng đặc trưng của chapei (một loại đàn luýt thường được chơi tại các lễ hội văn hóa) kèm theo ca hát. Ca từ của bài hát thường nói về giáo dục hoặc các vấn đề xã hội, để châm biếm khi kết hợp với các bài thơ truyền thống, truyện dân gian hoặc truyện Phật giáo.
Ngoài tài năng âm nhạc, một người chơi chapei cần phải có nhiều kỹ năng bao gồm sự thông minh, khả năng ứng biến và là một người kể chuyện giỏi. Mặc dù người biểu diễn thường là nam giới, nhưng không có giới hạn nào về giới tính đối với những người có thể chơi chapei.
Ngày nay loại hình nghệ thuật này được ít người biểu diễn và càng không có nhiều những ''bậc thầy'' chapei. Chapei Dang Veng đang đứng trước viễn cảnh biến mất trong nền nghệ thuật truyền thống Campuchia.
Hầu như các hoạt động nghệ thuật tại Campuchia đã bị gián đoạn, hạn chế hoặc bị xoá bỏ dưới thời Khmer đỏ. Những người yêu nghệ thuật truyền thống và chính phủ Campuchia vẫn đang nỗ lực tìm cách để gìn giữ và bảo tồn những loại hình nghệ thuật này.