Kể từ hôm nay (1/7), các giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày đều phải xác thực sinh trắc học. Quy định này nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các vụ lừa đảo chuyển tiền trên tài khoản.
4 trường hợp bắt buộc phải ra ngân hàng
Quyết định 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) nhằm triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo quyết định này, giao dịch của khách hàng, nhất là các giao dịch lớn từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày, đều buộc phải xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, khách hàng nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết qua theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai sinh trắc học, cơ quan này đã hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Quyết định 2345 một cách thuận lợi.
Đáng chú ý, theo Quyết định 2345, dữ liệu sinh trắc học mà các ngân hàng thu thập được buộc phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân do chính cơ quan công an cấp hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với căn cước công dân gắn chip, VneID.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, các khách hàng buộc phải ra quầy giao dịch tại ngân hàng để thực hiện chuyển tiền trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân cũ.
Thứ hai, khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống.
Thứ ba, khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng. Nhưng từ sau 1/7, khi thực hiện giao dịch, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng nếu không khớp với dữ liệu trong căn cước công dân gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng cũng buộc phải ra quầy giao dịch.
Thứ tư, trường hợp ách tắc giao dịch trong một số ngày đầu tiên khi Quyết định 2345 chính thức có hiệu lực khiến giao dịch chuyển tiền giá trị lớn bị nghẽn, khách hàng cũng phải ra quầy nếu có nhu cầu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đối với những khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip (có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hay khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 1 lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng, sau đó khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy.
Các ngân hàng cho biết sau mốc ngày 1/7, những khách hàng nào chưa kịp cập nhật dữ liệu sinh trắc học, cần tiếp tục đến quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ, áp dụng cho các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết từ ngày 1/7 đã ra mắt tính năng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trực tuyến thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Với cách này, khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng VCB Digibank, lựa chọn "Tài khoản định danh điện tử (VNeID)" và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.
"Để thực hiện, khách hàng cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác hệ thống định danh và xác thực điện tử thông qua kết nối trực tiếp giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VneID," đại diện Vietcombank nói.
Ngăn chặn lừa đảo bằng xác thực sinh trắc
Chia sẻ một số góc nhìn về việc áp dụng sinh trắc học từ ngày 1/7, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho biết: "Thông qua sinh trắc học này, nhóm tổ chức tội phạm rất khó và gần như không thể thực hiện được việc giả mạo khách hàng khi mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực bằng sinh trắc học của khách hàng. Nếu không chính là khách hàng thực hiện thì sẽ không thực hiện được."
Trong năm 2023, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, rất khó truy vết dòng tiền. Khi xác thực sinh trắc học, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại.
Sử dụng sinh trắc học nhằm ngăn chặn những cuộc gọi lừa đảo khi đối tượng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của chính chủ. (Ảnh: Vietnam+) |
Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ: "Không có yếu tố sinh trắc học của người mở tài khoản sẽ không thể sử dụng tài khoản đó để chuyển tiền đi. Như vậy, sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính chủ. Thực hiện các giao dịch chuyển tiền, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác sử dụng để luân chuyển dòng tiền bị chiếm đoạt."
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng không thể phủ nhận những ích lợi, sự an toàn mà Quyết định 2345 đem lại. Trong khi đó, công nghệ càng phát triển thì lại xuất hiện càng nhiều các hình thức lừa đảo mới. Việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực thanh toán là cách giảm thiểu và cố gắng ngăn chặn càng sớm càng tốt, chứ không thể loại trừ 1 cách hoàn toàn.
Tuy nhiên ông Huân cũng lưu ý việc áp dụng xác thực sinh trắc học chỉ có thể giảm thiểu phần nào thiệt hại từ thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng. Với quy định nói trên, việc áp dụng sinh trắc học giúp giảm thiệt hại cho chủ tài khoản tối đa 20 triệu đồng/ngày khi tội phạm kiểm soát được tài khoản, lấy được mã OTP.
Cũng theo ông Huân, còn trong trường hợp tội phạm sử dụng công nghệ AI, công nghệ Deepfake tinh vi, tìm ra các lỗ hổng nhằm bẻ khóa, vẫn có thể giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của con người để chiếm đoạt tài sản. Chưa kể hiện nay, thông qua các trang mạng xã hội, nhiều cá nhân bị lộ thông tin cá nhân, hình ảnh nên trong trường hợp công nghệ ứng dụng sinh trắc học phát triển thì cũng khó có khả năng ngăn chặn lừa đảo./.