Trả tiền xem TV để sợ
Năm 2005, Austin Aitken một người đàn ông 49 tuổi ở Cleveland, kiện hãng truyền hình NBC đòi 2,5 triệu đô la về những tổn thất do chương trình Fear Factor của hãng này gây ra. Aitken đã nôn mửa, chạy đâm sầm vào tường và gây chấn thương nặng.
Trước đó Aitken là một khán giả thường xuyên của chương trình và chưa có thách thức nào làm ông ta sợ như vậy, kể cả cảnh ăn giun và côn trùng. Nhưng cho đến khi xem các thí sinh trải qua một thách thức là ăn chuột thì sự cố xảy ra. Trong chương trình, những con chuột được xay trong một máy xay sinh tố và sau đó đưa cho các thí sinh ăn. Aitken khẳng định những hình ảnh này làm huyết áp của ông tăng lên rất nhiều, ông trở nên mất phương hướng và không thể nhìn thấy cánh cửa thông sang phòng khác.
Aitken cho rằng 2,5 triệu đô la là chỉ một con số tùy biến. Điều ông muốn ông chỉ đơn giản là gửi một thông điệp rằng chương trình đã trở nên quá lố.
Tòa án, sau đó đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện với nhận định: Việc xem hay không những hình ảnh gớm ghiếc, kinh tởm đã được cảnh báo trước, người xem tự chịu trách nhiệm về việc có xem hay không. Nếu khán giả không muốn xem gì đó trên truyền hình, chuyển kênh hoặc tắt TV đi là một giải pháp hiệu quả nhất.
Thẩm phán mất quần
Đây là vụ án mất quần nổi tiếng được khởi kiện bởi cựu thẩm phán hành chính Roy L. Pearson năm 2005 tại District of Columbia, Mỹ.
Tranh chấp phát sinh khi Pearson báo mất một chiếc quần đặc biệt tại cửa hàng giặt khô của nhà họ Chung - những kiều dân Hàn quốc. Vài ngày sau, cửa hàng đã nhận lại chiếc quần do giao nhầm sang địa điểm khác và gửi lại Pearson. Tuy nhiên Pearson đã từ chối và bảo đó không phải của mình dù sổ sách, thẻ đối chiếu đều chỉ ra nó chính là quần của Pearson. Pearson đã đòi bồi thường nguyên giá chiếc quần là hơn 1.000 đô la nhưng Chung từ chối vì chiếc quần của Pearson còn nguyên vẹn.
Pearson kiện ra tòa đòi 67 triệu đô la về những bất tiện của mình, tổn thất tinh thần và phí để đại diện cho chính mình trước tòa. Ngoài yêu cầu về quyền sở hữu chiếc quần, Pearson cũng kiện về việc quảng cáo trên các tấm biển của cửa hàng như “giao trong ngày”, “bảo đảm hài lòng” là gian dối vì ông ta không hề hài lòng và cũng không nhận được quần của mình trong ngày.
Chung sau đó đã đề nghị dàn xếp nhiều lần với các mức giá khác nhau và cao nhất là 12 ngàn đô la nhưng Pearson vẫn từ chối. Họ Chung đã rất hoang mang vì Pearson là cựu thẩm phán, rất hiểu luật còn họ chỉ là những người nhập cư văn hóa thấp. Họ thậm chí cũng đã tìm cách quay về Hàn quốc vì cho rằng không thể tiếp tục sống ở Mỹ. Điều này đã làm những người gốc Hàn khắp nước Mỹ vận động họ đã góp tiền để giúp đỡ Chung theo kiện.
Đến tháng 5 năm 2007, Pearson giảm yêu cầu của mình còn 54 triệu đô la, trong đó là 500 ngàn là phí luật sư, 2 triệu là bồi thường cho "cảm giác khó chịu, bất tiện, và đau khổ về tinh thần", và 15 ngàn là chi phí thuê một chiếc xe mỗi cuối tuần để lái xe đến cửa hàng giặt khô. Còn lại gần 51,5 triệu đô la sẽ được sử dụng để giúp những người tiêu dùng tại District of Columbia đã không hài lòng trong tình huống tương tự có thể khởi kiện các doanh nghiệp.
Đơn kiện của Pearson bị bác tại tất cả các cấp tòa, dù ông ta đã sử dụng tất cả các kỹ năng, kiến thức pháp luật của mình. Về sau, Pearson thừa nhận rằng lúc khởi kiện, ông ta chỉ còn hơn 1 ngàn đô la vì đã phải chi phí nhiều tiền cho vụ ly hôn của mình, bản thân ông ta cũng đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp.
Cà phê quá nóng
Vụ kiện nổi tiếng nhất thế giới xuất phát từ những thứ rất tầm thường là vụ Liebeck kiện McDonald’s. Nó thường được nhắc tới với cái tên vụ cà phê nóng. Vụ án này đặc biệt không chỉ bởi nó thành công mà còn ở mức độ bồi thường vượt quá yêu cầu của nguyên đơn.
Năm 1992, Stella Liebeck, một phụ nữ 79 tuổi ở Albuquerque, New Mexico, mua một cốc cà phê ở một tiệm McDonald’s và khi bà ta bỏ nắp cốc, toàn bộ số cà phê đã đổ vào lòng bà.
Bà ta bị bỏng cấp độ 3 vùng bụng dưới và đùi. Sau 8 ngày nằm viện để cấy da, Liebeck còn phải điều trị tiếp tục trong 2 năm. Bà ta đã đâm đơn kiện rằng, cà phê quá nóng và nóng hơn cà phê được bán tại bất kỳ của hàng nào khác
Ban đầu Liebeck chỉ đòi 20 ngàn đô la chi phí y tế và phần thu nhập bị giảm sút. Tuy nhiên McDonald’s chỉ chấp nhận bồi thường 800 đô la. Bồi thẩm đoàn đã đánh giá thiệt hại về y tế là 160 ngàn và phạt thiệt hại 2,7 triệu đô la do trước đó có nhiều khách hàng phàn nàn điều tương tự nhưng đại gia đồ ăn nhanh thường bỏ qua và thách thức cộng đồng.
Phiên tòa phúc thẩm, sau đó, đã giảm mức bồi thường và phạt thiệt hại xuống còn 640 ngàn đô la, bên cạnh các khoản chi trả không được tiết lộ mà các bên đã thương lượng trước khi tòa phúc thẩm tuyên án.