Zhang Zhen, một phụ nữ 44 tuổi đến từ Bắc Kinh, đang tham gia vào ngành dịch vụ đầy tiềm năng tại Trung Quốc. Cô sẽ đóng vai "bạn đồng hành" của các bệnh nhân, cũng chính là khách hàng thuê mình đưa tới bệnh viên, trong các cuộc hẹn khám thông thường cho tới hóa trị.
Những người được thuê hộ tống bệnh nhân phần lớn làm thay vai của nhiều người trẻ tại Trung Quốc, thường sống xa nhà hoặc không có đủ thời gian để đưa cha mẹ đi khám bệnh.
Zhang cho biết công việc này đòi hỏi cả sức mạnh thể chất và tinh thần. Cô thường thức dậy lúc 5:30 sáng rồi đứng cả ngày, nhiều đến mức đầu gối và bàn chân đau rã rời mỗi tối.
“Những người như tôi có vai trò như con cháu của khách hàng. Tôi muốn làm cho họ cảm thấy thoải mái và an toàn, thậm chí còn hơn cả con cái họ", Zhang nói. “Trong thâm tâm, họ thực sự muốn con cái ở bên. Đó là lý do tại sao tôi phải tận tâm với họ”.
Dù dịch vụ thuê người này đã xuất hiện tại Trung Quốc từ những năm 2010, nhưng nó chỉ thực sự nở rộ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các lệnh phong tỏa, hạn chế ra đường khiến nhiều người trẻ không thể ở cạnh cha mẹ và người thân của mình thường xuyên. Họ buộc phải nhờ cậy người quen và bạn bè trong những trường hợp đưa cha mẹ đi khám, nếu không thì sẽ phải lên mạng thuê người.
Thực trạng này đã phản ánh vấn đề nhân khẩu học và xã hội cấp bách nhất của Trung Quốc, đó là già hóa dân số.
Khi dân số già của Trung Quốc tăng lên, nhu cầu khám chữa bệnh cũng tăng theo, nhưng con cái của họ ngày càng ít đi và không sống cùng cha mẹ. Chính sách "một con" kéo dài nhiều thập kỷ đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh không có người thân chăm sóc.
Yuying Tong, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Hong Kong Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù Trung Quốc vẫn coi trọng truyền thống chăm sóc giữa các thế hệ, nhưng vì thực trạng di cư, việc duy trì rất khó khăn. Với những người lớn tuổi thuộc thế hệ 'một con', đây sẽ là một ngành công nghiệp mới nổi để đối phó với vấn đề già hóa ở Trung Quốc".
Khung cảnh bên ngoài Bệnh viện Tiantan Bắc Kinh. Ảnh: The Washington Post |
Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng dịch vụ thuê người hộ tống tới bệnh viện vẫn tiếp tục phát triển.
Trên nền tảng mua sắm Meituan, nơi người dùng đặt giao đồ ăn hoặc gọi xe, giờ đây họ có thể thuê người hộ tống. Chỉ với khoảng 300.000 đồng, sẽ có người đi lấy thuốc hoặc y bạ cho bệnh nhân. Chi phí hộ tống bệnh nhân bằng ô tô riêng sẽ có giá khoảng 2 triệu đồng.
Theo một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm ngoái, đã có hơn 500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hộ tống bệnh nhân trên các trang thương mại điện tử như Taobao và Jingdong.
Người dùng mạng xã hội có thể tìm thấy hàng trăm video về những người quảng cáo dịch vụ hộ tống của họ ở các thành phố lớn của Trung Quốc trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.
Trong video, những người hộ tống ghi lại cảnh họ đi bộ qua các khu bệnh viện, xếp hàng chờ lấy số khám bệnh. Họ giới thiệu bản thân và lý do làm việc trong ngành này.
Các chuyến đi đến bệnh viện là một phần cố định trong cuộc sống của nhiều người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, các bệnh viện ở các thành phố lớn như Bắc Kinh nổi tiếng là đông đúc và quá tải. Nếu muốn đặt lịch khám, một số người sẽ phải dậy từ rất sớm để lấy số xếp hàng, ngay khi đăng ký mở trực tuyến. Cư dân từ các vùng nông thôn cũng đổ về thành phố để khám bệnh.
Việc đi khám bệnh giờ trở nên hết sức mệt mỏi khi bệnh nhân phải xếp hàng nhiều giờ để chờ tới lượt và di chuyển liên tục giữa các khoa để xét nghiệm, lấy đơn thuốc thuốc và thanh toán. Rốt cuộc, mỗi bệnh nhân thường chỉ có vài phút với bác sĩ.
Jiang Jiang, 27 tuổi ở Hàng Châu, làm công việc hộ tống toàn thời gian cho biết: “Với chúng tôi, một cuộc hẹn mất một ngày có thể được thực hiện trong nửa ngày".
Jiang đã tập hợp khoảng 20 sinh viên y khoa làm công việc này bán thời gian. Họ đã giúp khoảng 300 người mỗi tháng, làm mọi việc từ giới thiệu các khoa của bệnh viện đến giải thích chỉ dẫn của bác sĩ.
Những người hộ tống có thể lấy đơn thuốc cho khách hàng, đăng ký và xếp hàng chờ lấy hẹn, rồi hộ tống khách về nhà sau khi làm thủ thuật.
Với danh sách các triệu chứng của khách hàng, họ cũng có thể gặp bác sĩ thay cho bệnh nhân và nhận chỉ dẫn. Dịch vụ này đặc biệt phổ biến trong đại dịch khi mọi người tránh xa bệnh viện vì sợ mắc COVID-19.
Nhớ lại thời điểm đỉnh dịch, Liu Xiaoli, 34 tuổi ở Hàng Châu, cho biết cô đã dành 14 giờ mỗi ngày để chạy quanh các bệnh viện, từ lấy hộ thuốc tới dìu bệnh nhân đi khám. Nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và ra giá rất cao để thuê được Liu.
"Công việc này giúp tôi thấy được nhiều thứ", bà mẹ 2 con cho biết. “Tôi thực sự cảm thấy mạng sống mong manh như thế nào".
Vì là một ngành mới, người hộ tống bệnh nhân hiện không có yêu cầu hoặc quy định nghề nghiệp nào. Các nhà chức trách cũng được yêu cầu xây dựng khung pháp lý để bảo vệ cho cả hai bên và tiêu chuẩn hóa giá thuê.