Câu chuyện vừa lạ lùng vừa bi hài này giống như một bộ phim có thật giữa đời thường, xảy đến với gia đình chị Đoàn Thị Thu (28 tuổi) sống tại xã Xuân Hoà, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Gia đình chị yên ấm, đông vui, tuy không giàu có gì nhưng luôn yêu thương nhau. Mọi bi kịch khởi đầu từ khi bố chị bị tai biến, thêm cả viêm cầu thận. Ông sinh năm 1958, hơn mẹ chị 5 tuổi. Vì bệnh tật của ông nên cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn.
Cầm cự được một thời gian thì bố chị Thu qua đời. Mẹ chị ở vậy vất vả làm lụng nuôi đám con thơ ăn học, cho đến tận lúc anh trai chị lấy vợ, và chị cũng xây dựng tổ ấm riêng năm 2009.
Mọi thứ tưởng như sẽ tốt đẹp hơn với cô gái xinh xắn ở miền quê Xuân Hoà. Đâu ai ngờ, sau khi chị sinh con gái đầu lòng năm 2011 thì vợ chồng bắt đầu trục trặc.
Chị chửa khó nên sinh con cũng cực khổ. Bé gái đẻ non 1 tháng rưỡi, nặng có 2,5 kg. Ngày chuyển dạ, chị một mình tới bệnh viện không có ai bên cạnh, cảm giác nghẹn ngào tủi thân lúc ấy đến giờ chị vẫn nhớ như in. Đẻ về được 3 ngày chị đã phải dậy tự giặt đồ, không ở cữ được ngày nào. Chị nhận ra hôn nhân không suôn sẻ hạnh phúc như mong ước.
Chồng chị sinh năm 1985, vốn dĩ là chàng trai giản dị chân chất, nhưng không có việc làm nên anh bập vào ma tuý đá lúc nào chẳng hay.
Năm 2013, vài lần chồng lên cơn ngáo đá, đánh đập vợ, buồn chán nên chị quyết định ôm con bỏ trốn xuống Hà Nội kiếm sống. Đó là quãng thời gian khổ sở cùng cực mà chị Thu không bao giờ quên, cảm giác bơ vơ nơi đất khách quê người với 2 bàn tay trắng giày vò người mẹ trẻ, nhìn con gái nhỏ mới 2 tuổi chị khóc nhiều lắm.
Anh trai lấy vợ, chị thì phải rời quê trốn đi, mẹ đẻ chị đành bỏ căn nhà tại Vĩnh Phúc, lên thủ đô trông con cho chị đi làm thuê khắp nơi kiếm sống. Chị làm đủ nghề để có tiền nuôi con, như buôn bán online, làm công nhân, dạy nhảy aerobic …và gần đây chị làm lễ tân cho một khách sạn ở quận Cầu Giấy.
Chị Đoàn Thị Thu cùng mẹ và con gái.
Tuy nhiên 1 tháng trước chị bệnh phải mổ, nghỉ làm một thời gian, sau khi quay lại thì bị cho thôi việc hẳn. Mọi việc trở nên khó khăn hơn, nhìn người ta cuối năm bận rộn sắm sửa Tết tư, chị Thu buồn lắm. Dường như những ngày tháng khổ sở cô đơn ngày đầu bơ vơ đất Hà thành lại quay trở về với người mẹ trẻ…
“Thời gian mới xuống đây, mình đi dạy nhảy ở Canon Bắc Thăng Long. 2 mẹ con mình thuê phòng trọ bé xíu. Trời mưa bão hay nắng gắt cũng không dám nghỉ, không dám ốm, lúc nào cũng phải bế con theo cùng. May mắn là Trúc Anh con gái mình rất ngoan ngoãn, ăn ngủ tốt, không quấy khóc nhiều.
Tiền dạy chỉ đủ để trả tiền nhà, điện nước. Lúc ôm con trốn đi mình không nói với ai, kể cả mẹ và anh ruột cũng không biết mình ở đâu. Tính mình khá bướng bỉnh, khi đó quyết tâm sẽ sống một mình, tự lo tất cả cho con, chỉ gọi điện về nhà nói vẫn ổn. Nhưng sự thực thì không ổn tí nào (cười).
Mình đã từng nhịn ăn 3 ngày để có tiền mua cháo cho con. Nói chung là vất vả lắm, đêm đêm thường ôm con khóc thầm. Số mình lận đận sao ý.
Rồi có lẽ ông trời cũng thấu, một thời gian sau có chị bạn lấy chồng Hàn Quốc ở Keangnam (Mỹ Đình) thấy mình đơn thân, chị thương, giúp mình một ít vốn kinh doanh, bán túi xách qua mạng. May mắn được nhiều người ủng hộ nên mình bắt đầu có đồng ra đồng vào, chăm con đầy đủ hơn, tiết kiệm được chút ít.
Nhưng một đợt, mình và con gái cùng ốm nặng, viêm phổi, không có đủ tiền nên phải nhờ tới anh trai, vợ chồng anh chị đã đón mình về ở cùng.”
Bao nhiêu biến cố cứ ập đến, người mẹ trẻ vẫn gắng gượng đương đầu. Nhìn lại xung quanh, chị cười buồn, bởi chị nhận ra cả mẹ đẻ và chị đã là 2 bà mẹ đơn thân.
Cách đây 2 năm, chị Thu và mẹ quyết định dọn về ở chung với người thím tên SinhCô Sinh cũng là một phận đời bất hạnh, “single - mom” như mẹ con chị Thu.
Chị kể: “Thím đã ngoài 40 rồi. Sau khi cưới, chú thím có 1 con gái 6 tuổi. Chú bất ngờ bị bệnh xơ gan cổ chướng, qua đời sớm. Thím thành bà goá khi còn khá trẻ, y như mẹ mình. Mẹ mình đón con thím về nuôi nấng hộ để thím đi làm tận Hoà Bình.
Thời gian qua nhanh, con gái thím, tức em họ mình, tên Đoàn Thị Duyên cũng đậu Đại học. Thế là thím cùng em xuống Hà Nội, sum vầy với mẹ con mình. Thím vất vả lắm, sáng đi rửa bát thuê, chiều tối lại dọn dẹp thuê cho các nhà nghỉ, khách sạn.
Cách đây 4 năm, Duyên bị chứng đau bụng kinh, hành hạ như đau đẻ. Thím mình đưa em đi khắp nơi chữa bệnh, làm thuê được bao nhiêu tiền đổ dồn hết cho con gái, nhưng không hết. Uống thuốc giảm đau nhiều nên gan thận Duyên bắt đầu có vấn đề, bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội mới nói em mắc bệnh hiếm không chữa được, nếu không sinh con bây giờ thì 2 năm tới sẽ vô sinh. Và chỉ có đẻ con mới thay máu, sau này có kinh lại sẽ hết đau.
Thím và em khóc rất nhiều, mẹ con mình cũng thương lắm, nhưng không giúp gì được. Sao cuộc đời lại éo le bạc bẽo đến thế, em mình còn quá trẻ. Nhà mình đã có 3 bà mẹ đơn thân, chẳng lẽ em mình cũng không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Sau khi biết rõ mọi chuyện thì em họ mình đã nói chuyện với bạn trai, xin một đứa con trước khi em mất khả năng làm mẹ. Bạn trai em đồng ý, nhưng cũng chật vật 1 năm, tốn rất nhiều tiền mới đậu thai. Thì đột nhiên bạn trai em đi du học. Gia đình bạn trai kia không chấp nhận mẹ con Duyên, nên hiện giờ mẹ con mình và thím đang chăm sóc em, bầu được 6 tháng rồi.
Trộm mụ em khoẻ mạnh lắm, bầu bí cũng không khổ sở. Giờ nhà mình có 5 người phụ nữ, chuẩn bị đón chào thêm thành viên thứ 6 (cười)”.
Chị cười nhưng tôi biết tâm can chị chất chứa đầy chua xót, đau buồn. Cả 4 người phụ nữ đều rất xinh đẹp, tần tảo, khéo léo, và chung số phận thiếu vắng người đàn ông bên cạnh, không có bờ vai vững chãi nào cho họ dựa vào.
Tôi hỏi chị Thu, sao chị không đi bước nữa, chị im lặng hồi lâu: “Mình sợ bé Nấm ở với dượng sẽ không được yêu thương trọn vẹn. Rồi lại gặp cảnh con anh con tôi, bé sẽ bị thiệt thòi nhiều lắm. Thà hi sinh hạnh phúc của mình để con được lớn lên khoẻ mạnh, vui vẻ, không để bé tủi thân vì bất kỳ chuyện gì. Nên mình nhất định sẽ không lấy chồng nữa.”
Tôi ngập ngừng hỏi thêm, rằng chị có sợ con gái lớn lên gặp cảnh đơn thân như chị và 3 người phụ nữ ruột thịt xung quanh không, chị bình thản nói:
“Mình đã nghĩ đến điều này rồi. Có lẽ nỗi bất hạnh ập đến gia đình mình là hy hữu thôi. Nếu con lớn lên làm single-mom, mình vẫn luôn ở bên con. Nhưng mình sẽ cố gắng bù đắp, đem hạnh phúc trọn vẹn cho con, mong con tìm được bến đỗ yên bình suốt cuộc đời, không đau khổ như mình và bà ngoại cháu”.
28 tuổi, chị Thu đã trở thành người phụ nữ từng trải, với biết bao tổn thương trong lòng khó ai hiểu được.
Nhiều người đã quen thuộc với cảnh 4 người phụ nữ và 1 bé gái 5 tuổi chung sống hoà thuận, vui vẻ trong căn nhà thuê cũ kỹ tại khu tập thể Nghĩa Tân. Cũng có lắm người thắc mắc tại sao lại không có người đàn ông nào bên cạnh, nhưng cả mẹ con chị Thu, mẹ con cô Sinh đều không buồn khi kể lại cho họ nghe câu chuyện cuộc đời mình.
Họ đã quen với sự trống vắng ấy suốt vài chục năm qua, mất mát đau thương vô hạn vẫn lạc quan sống tiếp. Dù không giàu có dư dả gì nhưng bà cháu, mẹ con, chị em luôn bảo bọc nhau, chia sẻ mọi buồn vui khó khăn.
Tôi không nghĩ 4 người phụ nữ trước mặt mình lại giàu nghị lực đến thế, nhất là cô em họ mới 21 tuổi của chị. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, em sẽ vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ.
P.V