Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Nigeria báo động gấp tin hàng trăm nghìn viên thuốc Trung Quốc làm từ “thịt người” lưu hành tại nước này. Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối.
Theo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản cho rằng: Tất cả cơ quan tổ chức trong cơ thể con người đều có ADN ví dụ trong xương, tóc, móng… và trong cả cơ. ADN có ở mọi thành phần trong cơ thể. Khi trong thuốc có ADN (từ nhau thai) thì xét nghiệm sẽ có ADN, nhưng thấy ADN trong thuốc thì không thể khẳng định đó là “thịt người”.
“ADN có trong tất cả các cơ quan tổ chức của cơ thể, cụ thể đến bài thuốc có nhau thai là có ADN thì anh chỉ có thể nói là “có nhau thai” chứ không thể nói đấy là thịt người được”- Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản khẳng định.
Trong nhau thai cũng có ADN, khi phát hiện trong thuốc đó có ADN thì không thể nói đó là thịt người. Vì xương cũng là có ADN, tóc cũng có AND, móng chân móng tay cũng có AND… Thấy có AND trong thuốc bảo có “thịt người” là hết sức mơ hồ, gây hoang mang dư luận.
Theo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, từ trước đến giờ, cả Tây y và Đông y đều sử dụng nhau thai làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Ở Tây y trước đây nhau thai được sử dụng để sản xuất Philatop nhưng do nguồn không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng phủ tạng, cụ thể là dùng gan động vật, để sản xuất philatop; còn Đông y, nhau thai được sử dụng trong bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn-bài thuốc rất bổ khí huyết, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể. Riêng vị hà sa (rau thai nhi) khoa học đã xác định có rất nhiều hooc-mon đặc biệt ở trong đó mà những cái khác không có… “Đây cũng chỉ là một vị thuốc thôi chứ không phải là thịt người, nói thịt người là không chính xác” - ông Bàn khẳng định.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/12/2018.