Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương “gặp nạn”
Đối với bà con Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương (70 tuổi) hay còn được bà con gọi thân thương là bà ba Sương với dáng người nhỏ nhắn với nụ cười hiền hậu mãi là hình ảnh khó quên trong tâm trí mỗi người nơi đây.
Anh hùng Trần Ngọc Sương trở lại thương trường với dự án trăm tỷ. Ảnh: Dân Việt.
Nhớ lại thời điểm Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa, chuyển mô hình sản xuất ở Nông trường Sông Hậu thành 6 doanh nghiệp có khả năng tự chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm do chính bà con nông dân sản xuất để nâng cao giá trị thành phẩm, bà Ba Sương kế nhiệm người cha già quá cố là ông Trần Ngọc Hoằng (là anh hùng Lao động thời kỳ trước) đưa bà con nông dân đến với tiến bộ khoa học, kỹ thuật để trở thành những “công nhân nông nghiệp” thực thụ.
Bà con hân hoan đón nhận và biết ơn người anh hùng của nông dân đã cùng họ đưa Nông trường Sông Hậu là một trong số ít đơn vị mà đời sống nhân viên cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Chính vì thành tích này, năm 1985, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nông trường sông Hậu. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 1999 bà Ba Sương cũng được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hạng nhất. Đây là trường hợp hiếm hoi khi trong 1 gia đình cả cha và con cùng được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý này.
Phát biểu trên Vietnamnet, cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: "Chính tôi là người đã từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu Anh hùng hay không thì đã thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng. Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đó là Nông trường Anh hùng, cá nhân cô ấy (Trần Ngọc Sương - PV) cũng là Anh hùng, không phải ngẫu nhiên được như thế".
Thế rồi, hồi tháng 4/2008, nữ Anh hùng Lao động dính vào lao lý. Những tâm huyết vì dân, vì hàng ngàn “công nhân nông nghiệp” đang ở giai đoạn chuyển mình bị “vụt tắt”. Toà án huyện Cờ Đỏ và thành phố Cần thơ đã kết án bà Ba Sương về tội “lập quỹ trái phép” làm thiệt hại công quỹ 5,2 tỷ đồng và tội tham ô tài sản 1,1 tỷ đồng. Bà bị tuyên 8 năm tù cho tội lỗi “tày đình” này.
Thời gian này, phần lớn báo chí trong nước đều lên tiếng cho rằng vụ xét xử có nhiều quy chụp, không rõ ràng và không đúng luật. Một diễn biến bất ngờ ngay khi bản án được tuyên, 110 bà con nông dân đã đồng loạt ký tên xin được… ngồi tù thay cho người nữ anh hùng của bà con.
Nữ anh hùng Lao động vướng vòng lao lý khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: Vietnamnet.
Luật nay xử án xưa
Trong buổi trả lời PV của Dân Trí, bà từng chia sẻ rằng, bà vô cùng đau xót khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Bà đã cống hiến cả đời mình cho nông trường, hy sinh tất cả để rồi bị tuyên án 8 năm tù. Bà từng nghĩ đến chuyện tự tử nhưng lại cố sống để minh oan.
Theo Vietnamnet, cựu Phó Chủ tịch nước - bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, việc xét xử này không đúng, chứng cứ cũng chưa phải là có cơ sở. Về cáo buộc lập "Quỹ trái phép" hay "Quỹ đen" đối với bà Trần Ngọc Sương, cựu Phó Chủ tịch nước khẳng định: "Đây không phải là "Quỹ đen" mà phải gọi đúng tên là "Quỹ đời sống", trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "Quỹ đời sống”. Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì dấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân".
Đúng như bà Bình khẳng định, quỹ này được công ty lập ra từ trước khi bà đảm nhiệm chức vị Giám đốc Nông trường Sông Hậu nên việc áp Luật nay để xử án xưa sẽ có nhiều bất cập và sai sót. Hơn nữa, vào thời kỳ đó, việc các doanh nghiệp có “quỹ đen” không phải là chuyện lạ thường.
Bà Ba Sương nhỏ bé trong phiên tòa xét xử tội "lập quỹ đen" của bà. Ảnh: Dân trí.
Sau nhiều nỗ lực kháng án cùng sự bất bình, kiên quyết minh oan cho bà Ba Sương của bà con nông dân, cuối cùng, tháng 1/2012, Cơ quan công tố đã xét theo hoàn cảnh lịch sử xảy ra sai phạm và những tình tiết giảm nhẹ, công lao đóng góp của gia đình và cá nhân bà Sương nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, điều 25 Bộ Luật hình sự.
Sau khi được khôi phục sinh hoạt Đảng, bà Trần Ngọc Sương đã trở về Nông trường Sông Hậu theo lời mời của các thành viên trong HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), cùng “chung lưng đấu cật” để vực dậy doanh nghiệp ở Nông trường Sông Hậu tiếng tăm đang trên đà tuột dốc.
Sự trở lại thương trường của bà Ba Sương đã giúp bà con thêm tự tin hơn dù rằng phía trước còn nhiều khó khăn. Sau 4 năm nhiều thay đổi và đi lên, ngày 6/4, Công ty cổ phần Nông trường Sông Hậu (NTNH) làm lễ động thổ Nhà máy Đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu tại phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Và người hỗ trợ, tư vấn triển khai dự án này không ai khác chính là Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương.
Theo đó, nhà máy này được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc. Toàn bộ sản phẩm cung cấp cho Công ty USFI, Inc (là liên doanh giữa Tập đoàn US Foods International của Mỹ và Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái cây, rau, củ, quả của Việt Nam. Dự án được bà Ba Sương ấp ủ từ năm 2007 nhưng vì “gặp nạn” nên mãi đến tận bây giờ bà mới thực hiện được.
Bình Nguyên