Lý giải về tên gọi “Âm hưởng người Mông”, họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu cho biết dân tộc Mông để lại nhiều ấn tượng và nhiều điều đặc biệt nhất trong anh. Người Mông đặc biệt từ tính cách đến việc chọn nơi sinh sống, cách thích nghi, nếm trải muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẫn tồn tại, phát triển. Họ cũng có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài thờ tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà, người Mông còn thờ cúng một hệ thống các thần bảo hộ. Niềm tin mãnh liệt vào các vị thần của họ đôi khi cực đoan đầy thú vị.
Trong sáng tác của Nguyễn Minh Hiếu, người Mông hay chính là những người bạn của anh, bạn của bạn bè anh hiện lên thật đặc thù. Họ vừa uốn éo, có phần ma mị, có chút tự do, bất cần, lạ lùng mà cực kỳ hay. Qua những “Cầu mưa”, “Uống rượu”, “Đi săn”, “Lễ hội”..., “Âm hưởng người Mông” phô bày loạt biểu hiện mạnh mẽ, đôi khi ban sơ trong đời sống hằng ngày của một tộc người họa sĩ đã quan sát, chộp bắt được cái hồn của hoạt động. Với Nguyễn Minh Hiếu, đó chính là những khía cạnh tồn tại trong người Mông đến tận bây giờ, từ cách sống cho tới cách nghĩ.
Tác phẩm gốm "Âm hưởng người Mông" của họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu. |
Luôn tiếp cận với gốm theo cách mộc mạc, giàu cảm xúc, sự trở lại lần này của anh vẫn dựa trên các chất liệu thân thuộc như đất, nước, lửa cùng các màu men lam, nâu, trắng cổ truyền của Bát Tràng. Dưới bàn tay nhào quyện sắc sảo, biến hóa trên phông nền sáng tạo cá nhân, Nguyễn Minh Hiếu phần nào khắc họa một “thiên truyện” hấp dẫn về tập tính, tâm linh đến trang phục, thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La), nơi người Mông cư ngụ.
Được hỏi về lý do lựa chọn gốm cho “Cảm hứng Chiềng Đi”, họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu tiết lộ: “Đó là chuyện mấy đứa họp bàn với nhau từ trước”. Cũng dễ hiểu, anh và nghiệ sĩ piano Phó An My đã quen biết hàng chục năm trời. Phong cách sáng tác của hai nghệ sĩ có điểm chung là sự mộc mạc như đất, thăng hoa tưởng tượng dữ dội như lửa, như nước. Và ở đó, gốm đã nằm trên trung điểm của sự giao thoa chất liệu sáng tác với tư duy nghệ thuật dù loại hình theo đuổi của cả hai khác nhau.
Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ thiên nhiên Tây Bắc và văn hóa của người Mông. |
“Tôi từng nói với My làm gốm rất hay. Sự tương tác với người dân tộc thường làm mình nghĩ đến khung cảnh, trời đất, thời tiết… Gốm chính là thứ diễn tả được điều đó, lại gần gũi như chính mình được sờ tay vào đất. Cái hay nữa là gốm hợp với câu chuyện về người Mông hơn các chất liệu khác. Bởi kiểm soát thế nào, qua từng công đoạn nhào nặn, mở lò, đóng lò, đều biến hóa đi”, họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.
Vào tháng 10/2022, đêm công diễn đầu tiên của “Cảm hứng Chiềng Đi” đã diễn ra tại sân khấu ngoài trời ở bản Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La). Theo chia sẻ của các nghệ sĩ, bỏ qua những quy phạm thính phòng, đêm nhạc không phải một phép thử, cũng không phải sự phá cách, mà đơn giản là sự hòa mình vào vạn vật để tận hưởng âm nhạc giữa núi rừng, với thung lũng mận, đào, chè bảng lảng trong sương khói.