Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Phải bảo vệ phẩm giá của người lao động
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng dự luật cần phải bảo vệ được người lao động Việt Nam (NLĐVN) ở nước ngoài vì đây không chỉ là bảo vệ quyền công dân, quyền con người mà còn là danh dự, phẩm giá của người VN, cao hơn nữa là uy tín, danh dự của đất nước.
“Một số vụ việc diễn ra gần đây cho thấy nếu chúng ta không quy định bằng luật pháp để bảo vệ thì vấn đề tôi vừa nêu tiếp tục bị phương hại, không được ngăn chặn” – ông nhấn mạnh.
Theo đó, ĐB Vân đề nghị dự luật phải ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan rõ hơn, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao VN ở nơi NLĐVN đang sinh sống làm việc, sau đó đến trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đưa NLĐVN ra nước ngoài và đối tác của họ.
Ông cho hay, do nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ đảm bảo chưa được quy định chặt chẽ nên thực tiễn đã có nhiều DN trốn trách trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. “Không thể để tình trạng DN cứ chạy được giấy phép là được làm ăn kiếm siêu lợi nhuận, làm theo kiểu lấy mỡ nó rán nó, gây thiệt hại cho NLĐ nhẹ dạ cả tin…
NLĐ đã nghèo nhưng lại phải đóng thêm một khoản tiền cùng với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng không rõ ràng. Khi có vụ việc xảy ra gây thiết hại đến tính mạng, tài sản mà nghĩa vụ tài chính họ còn bị xà xẻo” – ông nói.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho NLĐ và tránh tình trạng lừa đảo NLĐ như hiện nay đang khiến nhiều người dân rất lo lắng.
“Chúng ta thấy nông dân kinh tế rất khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi xuất khẩu lao động” - ông Hiểu nói.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho rằng đặt ra vấn đề quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, lực lượng lao động hợp pháp của nước ta ở nước ngoài rất lớn.
Theo ông Khuê, với lao động Việt Nam ở nước ngoài, có cả trăm con đường khác nhau, từ đi bằng con đường hợp pháp và cả bất hợp pháp. Một sự kiện đau lòng năm 2019, đó là việc hàng chục NLĐVN chết ngạt trong xe container đông lạnh ở Anh khi đi lao động bằng con đường bất hợp pháp.
“Phần lớn NLĐ chui, bất hợp pháp bị ngược đãi, lúc nào cũng phải trốn tránh sự quản lý của nước sở tại nơi mình làm việc; và khi có vấn đề liên quan, thì sứ quán nước ta cũng không đủ cơ sở để bảo vệ”- ĐB Khuê nói. Ông cho rằng đã đến lúc phải hệ thống, sắp xếp, cần định danh để quản lý được các tổ chức thiết lập đường dây đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngăn chặn việc đưa NLĐVN ra nước ngoài bất hợp pháp.
Cùng quan điểm, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu lại các vụ việc đau lòng như vụ 39 lao động chết trong container ở Anh, hàng loạt lao động chui tại Hàn Quốc… “Những sự việc thế này ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều. Câu hỏi đặt ra là tại sao mình có luật, có quy định như vậy nhưng vẫn xảy ra việc trốn chạy, đi lao động bất hợp pháp” – ông nói và cho rằng dự luật phải điều chỉnh được vấn đề này.
Đơn vị nhà nước được xuất khẩu lao động
Một trong những điểm mới, dự thảo bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố được đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay quy định này được xây dựng từ mô hình của tỉnh Đồng Tháp. Thời gian qua, tỉnh này đã ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả tích cực này khác hẳn với thực tế khi có tình trạng nhiều DN xuất khẩu lao động lừa đảo người lao động…
Cũng theo ông Lợi, Hàn Quốc công bố không tiếp nhận lao động đến từ 3 huyện ở Thanh Hóa do tình trạng lợi dụng chính sách, đi lao động “chui”, trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng…
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của địa phương, Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết đề án tạo việc làm của tỉnh đưa ra phương châm "ra đi làm thuê để trở về làm chủ''. Việc này không chỉ đơn giản mang về 20-30 triệu/tháng mà đem về tư duy, tâm thế của những lao động trẻ đã ''hấp thu'' qua 5 năm làm việc ở nước ngoài.
“Những người lao động đi về nói với chúng tôi rằng tiền mang về không quan trọng bằng cái đầu mang về”, ông Hoan nói và cho biết nhiều lao động qua nước ngoài làm việc ở nhà máy chế biến thực phẩm, sau khi về nước đã mở nhà máy chế biến nông sản.
“Có những doanh nghiệp lôm côm, tào lao, nói đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng thực tế là "cò". Thậm chí đưa người lao động đi hối lộ cán bộ để được đi lao động ở nước ngoài. Nhưng ở Đồng Tháp không có chuyện đó, không có chuyện lo lót cán bộ để được đi lao động nước ngoài”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) thông tin thêm.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh/thành phố đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương, thấy hiệu quả. “Sau khi tổng kết 2 năm thí điểm, Chính phủ thấy phù hợp, các nước ASEAN hợp tác tốt. Về bản chất, đây là thỏa thuận ký kết giữa các địa phương của quốc gia này với quốc gia khác”, ông Dung nói.