Hình ảnh rừng phòng hộ Minh Tân và những khu đã diễn ra việc xây dựng nhìn từ trên cao. |
Nhiều vi phạm nhưng không “cá mè một lứa”
Trước những nội dung phản ánh, khiếu nại trong đơn thư mà người dân thôn Minh Tân đã gửi đến nhiều cấp từ địa phương đến Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo cụ thể để giải quyết vấn đề này. Căn nguyên của vấn đề xảy ra tại thôn Minh Tân nằm chỗ chưa thể giải quyết được số diện tích đất ở, đất canh tác mà những người đi khai hoang sẽ được hưởng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, tình trạng vi phạm về xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại đây đã diễn ra từ lâu và việc xử lý cũng đã được các cơ quan nhiều cấp vào cuộc.
Hình ảnh rừng phòng hộ Minh Tân và những khu đã diễn ra việc xây dựng nhìn từ trên cao. |
Tại Sóc Sơn, những tồn tại liên quan đến đất rừng phòng hộ không chỉ xảy ra tại thôn Minh Tân hay xã Minh Trí mà nó còn diễn ra ở nhiều nơi khác. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh... Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 hecta.
Những vi phạm cũ chưa xử lý hết thì trong hơn hai năm (tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), qua kiểm tra 28 trường hợp xây dựng ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp “tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
Trước thực tế trên, giữa tháng 10/2018, TP Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú. Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Cuối tháng 3/2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. Ngày 1/4, UBND TP Hà Nội có văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân liên quan.
Hình ảnh rừng phòng hộ Minh Tân và những khu đã diễn ra việc xây dựng nhìn từ trên cao. |
Đối với các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân Minh Tân, trong buổi tiếp xúc cử tri diễn ra vào ngày 18/6/2019, ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội đã có những khẳng định rất cụ thể về việc này. Trả lời câu hỏi liên quan đến quyền lợi của người dân Minh Tân, ông Nguyễn An Huy cho biết, những trường hợp khai hoang đất rừng trước đây sẽ được bảo đảm quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Trong phần phản hồi của mình, ông Huy cũng khẳng định, đơn vị này không thanh tra việc lập quy hoạch có đúng hay không. Quá trình thanh tra, Thanh tra thành phố dựa trên hồ sơ đã có để đối chiếu với quy định của pháp luật đánh giá việc tổ chức sử dụng đất. Chánh Thanh tra Hà Nội cũng cho biết, từ năm 1998, rừng Sóc Sơn được quy hoạch 6.630 ha. Đến năm 2006, Thanh tra Chính phủ kết luận, trong 6.630 ha đất rừng, có trên 955 ha chồng lấn vào đất ở và một số loại đất khác. Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị TP Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lại quy hoạch đất rừng Sóc Sơn. Đến năm 2008, TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch đất rừng Sóc Sơn còn khoảng 4.500 ha (bỏ trên 955 ha đất chồng lấn ra ngoài quy hoạch).
Người trồng rừng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản
Cũng liên quan đến các vấn đề rừng phòng hộ tại thôn Minh Tân nói riêng và huyện Sóc Sơn nói chung, trả lời Ngày Nay, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định rất cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với những người dân thuộc diện đi khai hoang, trồng rừng.
Ảnh minh hoạ về việc bảo vệ rừng phòng hộ. |
Về vấn đề thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hay còn gọi là quy hoạch lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm cho biết, Pháp lệnh Bảo vệ rừng số 147/LCT ngày 6/9/1972 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau này là Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 hay Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 năm 2017 đã có quy định rất rõ về các vấn đề liên quan đến việc này. Về thẩm quyền phê duyệt rừng phòng hộ đối với cấp địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố và được quy định rất rõ tại Điều 12, Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Từ đầu năm 2019 cho đến nay, UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh (quy hoạch chung, trong đó bao gồm sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường) sau đó trình HĐND cấp tỉnh xem xét thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Quy định này đã được nêu rất rõ tại khoản 4, Điều 16 của Luật Quy hoạch năm 2017.
Vấn đề rừng phòng hộ của thành phố Hà Nội nói chung và tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn nói riêng, đại diện Cục Kiểm lâm cho biết, thành phố Hà Nội hiện tại có 19.637,05 ha là diện tích rừng, trong đó có 3.784,53 ha là rừng phòng hộ, chiếm 19,3%. Rừng phòng hộ tại Hà Nội phân bố tại 4 huyện gồm: huyện Sóc Sơn có 3.266,92 ha chiếm 86,3%; huyện Chương Mỹ có 432,41 ha chiếm 11,4%; huyện Quốc Oai có 72,72 ha chiếm 1,9% và huyện Thạch Thất có 12,48 ha chiếm 0,4%. Tất cả diện tích rừng phòng hộ này đều do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng thành phố Hà Nội quản lý.
Về cấp quản lý rừng phòng hộ thì theo quy định hiện hành, diện tích rừng phòng hộ nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội thì do UBND thành phố Hà Nội quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức xây dựng hồ sơ trình UBND cấp tỉnh quyết định. Đối với công tác quản lý rừng phòng hộ tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội quản lý.
Người dân Minh Tân nêu những khúc mắc liên quan đến quyền lợi của mình. |
Đối với những khúc mắc về quyền lợi của những người dân đi khai hoang như tại thôn Minh Tân, một lãnh đạo tại Cục Kiểm lâm cho biết: Theo quy định tại khoản 5, điều 29, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư sẽ hưởng toàn bộ giá trị lâm sản. Như vậy, đối với những hộ dân khai hoang tự bỏ vốn trồng rừng hợp pháp sẽ được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khi khai thác.
Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp không quy định việc người dân sống trong khu rừng phòng hộ. Việc người dân đi khai hoang trước khi quy hoạch và thành lập khu rừng phòng hộ thực hiện theo quy định tại Điều 53, Luật Đất đai năm 2013. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi theo quy định của Luật Đất đai và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng. Để đảm bảo quyền lợi của người dân đã khai hoang nhưng hiện nay lại là rừng phòng hộ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phải đánh giá cụ thể, trên cơ sở đó sẽ trình UBND thành phố xem xét xác định kinh phí hỗ trợ cho người dân.
Cục Kiểm lâm cũng cho biết, đối với việc sử dụng đất trong rừng phòng hộ thực hiện theo các quy định của pháp luật đất đai: Sử dụng đúng kế hoạch, kế hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất đã được quy định trong Điều 6, Luật Đất đai. Trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về câu hỏi, đối với những trường hợp đi khai hoang, được giao đất thì họ có quyền chuyển nhượng phần đất này hay không, phía Cục Kiểm lâm cho biết: Trường hợp đi khai hoang, được giao đất, việc chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Cụ thể, khoản 1, Điều 168, Luật Đất đai nêu rõ: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực huyền quyền sau khi có quyết định giao đất...