Nghiên cứu, được công bố trực tuyến trên tạp chí Food Research International, nhận thấy hành tây đỏ có hàm lượng quercetin cao nhất trong số các loại hành. Ngoài ra, hành đỏ còn có lượng anthocyanin cao, một chất khác làm tăng tính chống ung thư của quercetin.
Abdulmonem Murayyan, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Hành tây hoạt hóa những chu trình tạo điều kiện "bức tử" tế bào ung thư, gây bất lợi cho môi trường các tế bào ung thư và phá vỡ sự giao tiếp giữa các tế bào ung thư, ức chế phát triển khổi u".
Trước đó, trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát lượng quercetin trong 5 giống hành tây khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã cho các tế bào ung thư đại tràng tiếp xúc trực tiếp với quercetin chiết xuất từ hành để xác định tác động của nó đối với tế bào ung thư đại tràng, kết quả cho thấy quercetin có khả năng chống ung thư đại tràng mạnh.
Theo nhóm nghiên cứu, bước tiếp theo là thử nghiệm chất này trên người.
Lợi ích sức khoẻ của hành không chỉ là chống lại ung thư. Loại rau này cũng có ích trong việc ngăn ngừa bệnh tim. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên tạp chí The Journal of Nutrition cho thấy quercetin cũng làm giảm đáng kể cao huyết áp ở người lớn. Và vì tác dụng kháng histamin và chống viêm của quercetin, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng hen.
Các hợp chất khác trong củ hành cũng đã được chứng minh là có lợi cho sức khoẻ. Ví dụ, allyl propyl disulphide, một loại dầu có trong củ hành, có thể giảm đường huyết nhờ làm tăng lượng insulin tự do có trong cơ thể. Kết quả là, nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung thêm hành vào chế độ ăn có thể giúp cải thiện sức khoẻ của những người mắc bệnh tiểu đường.
Quercetin đã được chứng minh là vô hiệu hóa gốc tự do trong cơ thể có thể gây ra tổn thương tế bào và ADN, chất xúc tác cho ung thư.
Quercetin có tính chống viêm nhờ ức chế giải phóng các chất trung gian phản ứng viêm, như histamin.
Theo Dân Trí