Theo Sở Du lịch và Khảo cổ học Umm Al-Quwain, thị trấn rộng 12 ha, hoạt động từ cuối thế kỷ 6 đến giữa thế kỷ thứ 8 và tồn tại trước nền văn minh Hồi giáo.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy thị trấn là một trong những "khu định cư lớn nhất" còn sót lại từng được tìm thấy ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày nay và là nơi sinh sống của hàng nghìn cư dân, nhiều người trong số đó sống dựa vào ngành khai thác ngọc trai. Nhiều ngôi nhà cộng đồng được xây dựng từ những tảng đá ở bãi biển địa phương và những vật liệu ở môi trường xung quanh, phần mái của những căn nhà này được làm bằng thân cây cọ.
Thị trấn được cho là có hàng ngàn cư dân. Nguồn ảnh: Sở Du lịch và Khảo cổ học Umm al-Quwain |
Timothy Power - phó giáo sư khảo cổ học tại Đại học Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cho biết thị trấn mới được phát hiện này hết sức độc đáo. Ông Power giải thích rằng không chỉ vì niên đại và quy mô của cộng đồng người sống ở đây mà còn vì thị trấn này hoạt động quanh năm, không theo mùa vụ.
"Đây là một chế độ định cư rất khác, là một thị trấn riêng biệt", ông Power chỉ ra và đồng thời cho biết cộng đồng này có mật độ dân cư đông đúc với nhiều loại nhà ở và bao gồm nhiều loại hình kinh tế xã hội khác nhau.
Cư dân của thị trấn có thể là người theo đạo Thiên Chúa, vì khu định cư nằm gần một tu viện Kitô giáo cổ được phát hiện vào năm ngoái.
Thị trấn được cho rằng có thể hoạt động quanh năm. Nguồn ảnh: Sở Du lịch và Khảo cổ học Umm Al-Quwain |
“Từ các dữ kiện lịch sử, chúng tôi biết rằng có những thị trường ngọc trai quan trọng khác cùng tồn tại trong thời kỳ này, nhưng rõ ràng rằng ngọc trai là một ngành công nghiệp chính của thị trấn mới được phát hiện này", ông Power cho biết.
Vào thời kỳ cao điểm của thị trường ngọc trai, có rất nhiều người tham gia vào ngành này. Ở đất nước láng giềng Abu Dhabi, gần 2/3 nam giới đánh bắt ngọc trai vào thế kỷ 19.