Nhiều hầm đi bộ có hiệu năng kém
Theo ghi nhận của phóng viên báo Hà Nội mới, sáng ngày 1/4, tại nút giao thông Ngã Tư Sở - khu vực luôn có lượng người và xe lưu thông rất lớn, chỉ có một vài người dân sử dụng hầm đi bộ Ngã Tư Sở. Hầu hết đều chọn cách cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để sang đường. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở hầm đi bộ Phạm Hùng, thuộc khu vực Bến xe Mỹ Đình vào lúc 12h ngày 1/4.
Hầm đi bộ tại bến xe Mỹ Đình vắng vẻ lúc 12h trưa. (Ảnh: Hà Nội mới) |
Theo chị Nguyễn Thu Phương (trú tại phố Cù Chính Lan, quận Thanh Xuân), chị thường chọn cách băng trực tiếp qua đường, bởi khoảng cách từ nhà đến hầm là hơn 500m, làm chị ngại phải đi vòng lên - xuống hầm.
Ở ngoại thành, trong số 10 hầm đi bộ tại khu vực đường Trường Sa và Hoàng Sa (quốc lộ 5 kéo dài), thuộc địa bàn huyện Đông Anh, chỉ có 4 hầm đang được đưa vào sử dụng. 6 hầm còn lại (2 hầm ở xã Xuân Canh, 4 hầm ở xã Đông Hội, Tàm Xá, Vân Nội) đều đóng cửa, ven tường hầm rất nhiều rác thải.
Một bãi rác tự phát ngay bên cạnh hầm đi bộ trên đường Trường Sa. Ảnh: Tô Thế/Lao Động |
Việc người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn... đều có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của mình và người xung quanh. Đây cũng là những vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, do không bị xử phạt nên nhiều người vẫn coi thường, không tuân thủ quy định.
Về hệ thống hầm bộ hành trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Vũ Ngọc Thắng (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, Hà Nội đang mở cửa 32/38 hầm để phục vụ cho người đi bộ. 6 hầm còn lại trên tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa đóng cửa vì hai bên đường không có người dân sinh sống, nhu cầu đi lại của người dân không nhiều. Những hầm đi bộ trên sẽ được mở cửa lại khi nhu cầu đi lại của người dân tăng lên.
4/10 hầm tại khu vực đường Trường Sa và Hoàng Sa mở cửa cả ngày, nhưng rất hiếm người qua lại. Ảnh: Tô Thế/Lao Động |
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để phát huy tối đa hiệu năng của hầm đi bộ, góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng thuộc những địa bàn khác nhau cần phải phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng, hầm đi bộ Ngã Tư Sở liên quan đến 3 phường là Ngã Tư Sở, Khương Trung, Thượng Đình. Do đó, lực lượng công an các phường phải cùng phối hợp với đơn vị quản lý vận hành hầm để kiểm tra xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trong hầm. Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt cho biết, cần phải tăng cường lực lượng công an tuần tra tại tại các hầm đường bộ, nhằm ngăn chặn kẻ xấu sử dụng hầm sai mục đích.
Tại Ngã Tư Sở, mạng lưới hầm đi bộ vô cùng rộng và phức tạp. Hầm ở đây ngoài mục đích cho người đi bộ còn phục vụ cho cả xe đạp đi dưới hầm. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị) |
Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Vũ Ngọc Thắng cũng đề nghị, cần phải xử phạm nghiêm khắc hơn lỗi băng cắt qua đường mà không sử dụng hầm đi bộ, để nâng cao ý thức của người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lắp hàng rào tại dải phân cách để hạn chế người đi bộ sang đường sẽ là trách nhiệm chính của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội.