Vào những ngày trưa nắng, khu vực ven biển xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang luôn đầy ấp những giàn khô nối dài hàng trăm mét với đủ các loại thủy sản như: chỉ vàng, cá cơm, cá đuối, cá bóng biển… Theo một số người gắn bó lâu năm với nghề làm khô ở xã Lại Sơn, nghề làm khô ở đây tồn tại hơn một thế kỷ qua.
Ông Phan Văn Thông (50 tuổi), ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải cho biết, ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề làm khô cá biển. Gia đình ông Thông có tàu khai thác thủy sản, có sẵn nguồn nguyên liệu nên nhờ có nghề làm khô mà giá các loài thủy sản khai thác được tăng gần gấp đôi, giúp tăng lợi nhuận cho gia đình.
Do nguồn nguyên liệu gia đình khai thác được, không phải mua qua trung gian nên tất cả các loại cá khô gia đình ông Thông bán đều có giá rẻ hơn từ 10 -15% so với các cửa hàng khác.
Không riêng gia đình ông mà hầu hết người làm cá khô ở đây đều thực hiện tốt các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, luôn dành hết tâm huyết để xẻ, ướp về phơi khô cho được nắng để đảm bảo độ thơm ngon, ông Thông chia sẻ thêm.
Còn bà Huỳnh Kim Châu, người chuyên làm khô cá cơm ở xã Lại Sơn cho hay, cá cơm gia đình khai thác được quanh năm, cá đánh bắt trong ngày nên còn tươi khi làm khô sẽ ngon. Vậy nên, khô cá cơm của gia đình bà làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, gia đình bà Châu bán hơn 300 kg.
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 cơ sở làm cá khô, tôm khô và chế biến sản phẩm phẩm khô với hơn 2.000 lao động làm việc thường xuyên. Nghề làm cá khô, tôm khô là nét văn hóa của cư dân miền biển của tỉnh.
Để giúp cho nghề sản xuất, chế biến cá khô, tôm khô phát triển bền vững, xứng với tiềm năng hiện có, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã công nhận một số làng nghề truyền thống làm tôm khô, cá khô ở các huyện Kiên Hải, Kiên Lương, thành phố Hà Tiên, huyện An Minh…
Tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh, người dân làng nghề tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu đạt sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho người dân.
Tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, hộ dân tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống, nguồn lao động kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt. Các cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm khi đủ điều kiện.
Ngành công thương tỉnh cũng đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng đó, chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó, ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.