Bị cáo Nguyễn Trung Kiên (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Tổng hợp An Phát) và 02 đồng phạm đã có hành vi buôn bán hàng giả ống thép mang nhãn hiệu “Hòa Phát”, làm giả con dấu, tài liệu của tổ chức, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố theo điểm a khoản 1 Điều 192 và điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 09/03/2019 đến ngày 13/03/2019, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Quang Thành (Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Tổng hợp An Phát) và Nguyễn Văn Công đã có hành vi làm giả 53 ống thép nhãn hiệu Hòa Phát với tổng khối lượng 1.110,860kg là nhãn hiệu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Việt Nam nhằm mục đích kiếm lời.
Để hợp thức hóa chất lượng sản phẩm ống thép Hòa Phát giả, Nguyễn Trung Kiên còn có hành vi thuê người làm giả 06 Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và 02 phiếu xuất kho của Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát (là Công ty thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát). Theo Viện Kiểm sát, hành vi buôn bán hàng giả ống thép và làm giả giấy tờ, tài liệu là hành vi nghiêm trọng, trong đó Nguyễn Trung Kiên phạm tội Buôn bán hàng giả và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Nguyễn Quang Thành và Nguyễn Văn Công phạm tội buôn bán hàng giả.
Do vậy, Tòa tuyên phạt Nguyễn Trung Kiên 15 tháng tù giam với tội danh Buôn bán hàng giả, 24 tháng tù giam với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng cộng mức hình phạt là 39 tháng tù giam; Nguyễn Quang Thành 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Công 12 tháng, cho hưởng án treo.
Đây là bản án đích đáng dành cho những kẻ bất chấp pháp luật, hám lợi bất chính làm hàng giả, hàng nhái ống thép Hòa Phát và cũng là lời răn đe, cảnh tỉnh cho những đối tượng đã, đang và sắp có ý định như trên.
Cũng trong tháng 7, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên phúc thẩm vụ giả mạo trong công tác, sản xuất, buôn bán hàng giả tại tổng công ty xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc phòng và một số công ty, đơn vị khác. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc, các đối tượng đã làm giả hàng chục triệu lít xăng có giá trị tương đương hàng nghìn tỷ đồng. Đối tượng cầm đầu lãnh án 12 năm tù, các đối tượng còn lại lãnh án đến 9 năm tù.
Theo luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, thành viên Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp, trong đó có hành vi làm giả, nhái các nhãn hiệu lớn trên thị trường nhằm trục lợi bất chính. Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam.
Thống kê 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1.346 đối tượng. Ngày càng nhiều các vụ án được đưa ra xét xử mạnh tay nhằm răn đe các đối tượng làm ăn phi pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.