Cổ nhưng không cũ
Một trong những sự kiện trang phục truyền thống nổi bật nhất năm 2023 chính là diễu hành Việt cổ phục "Bách hoa Bộ hành" vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong khuôn khổ "Tuần lễ áo dài". Tất cả những nỗ lực của những người đem lòng yêu thương cổ phục Việt dường như ngày càng đơm ra "trái ngọt", khi diện cổ phục Việt đã dần trở thành một xu hướng của Tết cổ truyền.
Từ lâu, người Việt vốn quen với hình ảnh những bộ quần áo cổ trang từ các bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Những trang phục trong các bộ phim cổ trang các nước đồng văn khiến cho nhiều người mê mẩn vì sự lộng lẫy, chi tiết và cầu kỳ.
Là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, những trang phục xuất hiện xuyên dòng lịch sử Việt Nam cũng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, của từng giai đoạn. Những người nghiên cứu sâu về văn hóa "ngàn năm áo mũ" và hồi sinh cổ phục luôn muốn truyền đạt đến cho đông đảo người Việt rằng: Cổ phục Việt Nam rực rỡ không kém cổ phục các nước bạn đồng văn.
Người trẻ có xu hướng biến tấu trang phục, kết hợp những phụ kiện, túi xách, khăn mũ trẻ trung để làm mới lạ diện mạo của chính mình khi diện cổ phục. "Cổ nhưng không cũ" là điều người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng đến.
Chất liệu tơ tằm nhiều màu sắc của các làng nghề "lên ngôi"
Cổ phục may từ lụa tơ tằm rất đặc biệt ở chỗ mùa đông mặc thì ấm, còn mùa hè mặc lại mát. Vải dệt từ tơ tằm có nhiều họa tiết và màu sắc bắt mắt, phù hợp với các độ tuổi đa dạng, và rất thích hợp diện vào dịp Tết cổ truyền.
Theo chị Nguyễn Huyền Lê, quản lý của Vạn Thiên Y, đơn vị Nghiên cứu và phát triển dự án về Văn Hoá, trong thời gian này, Tơ tằm Nha Xá, Vạn Phúc đang rất được yêu thích vì tính truyền thống. Khách hàng của Vạn Thiên Y chủ yếu là các gia đình làm văn hóa hoặc người làm trong ngành thuật nên rất ưu tiên tính truyền thống, sản phẩm thủ công của các làng nghề.
Lượng khách hàng hỏi và đặt may chất liệu này đang tăng gấp đôi trong thời gian giáp Tết. "Điều này diễn ra do xu hướng tìm hiểu về văn hoá nói chung ảnh hưởng. Các sự kiện trưng bày chất liệu truyền thống, sản phẩm thủ công,... khiến khách hàng cảm thấy lụa làng nghề có giá trị cả về mặt tinh thần."
Khách hàng tìm đến Vạn Thiên Y để sắm cho mình một bộ cổ phục thường lựa chọn màu tím cẩm hay xanh ánh đồng, "những tông màu hợp với những không gian linh thiêng như đền, chùa", chị cho biết thêm.
Vải phổ thông lụa làng nghề tính ra không đắt hơn vải nhập như sa, lụa Hàn Quốc. Chỉ một số loại đặc biệt như the, lãnh thì giá cao hơn hẳn. Tuy nhiên, vải lụa làng nghề đòi hỏi tay nghề cao, đảm bảo tính sắc nét của từng đường kim mũi chỉ. Công may đối với vải lụa sẽ cao hơn so với các loại vải khác, giá thành cho một áo cổ phục chất liệu lụa có hai lớp của Vạn Thiên Y rơi vào khoảng 5 triệu đồng.
Ảnh: Vạn Thiên Y |