Vài năm gần đây, Việt Cổ phục được ghi nhận quay trở lại trong đời sống văn hóa người Việt. Ban đầu là từ trong những dự án âm nhạc, điện ảnh được đầu tư kỹ lưỡng, sau đó lan rộng ra đời sống thường nhật, tạo nên một sự bùng nổ mạnh mẽ. Theo lời chị Nguyễn Nga, người sáng lập thương hiệu may mặc “Thủy Trung Nguyệt”, các bạn trẻ tìm đến Thủy Trung Nguyệt thường có sự hứng thú đặc biệt với cổ phục Ngũ thân tay thụng (Áo tấc). Không chỉ giới hạn ở phái nữ, mà Ngũ thân còn thu hút một lượng lớn khách hàng là nam, ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Cùng tìm hiểu về Việt cổ phục Ngũ thân
Áo Ngũ thân có năm vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai vạt đằng trước, hai vạt đằng sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, một thân con nằm trong tượng trưng cho ‘mình’, là người con. Ngũ thân có năm nút áo tương ứng ngũ thường (nhân – nghĩa – lễ – trí – tín), ngũ luân (quân thần: vua – tôi, phụ tử: cha – con, phu phụ: chồng – vợ, huynh đệ: anh – em, bằng hữu: bạn bè). Một chiếc áo dài ngũ thân khoác lên mình như để ghi nhớ đạo làm người.
Ngũ thân cho nam và nữ đều có màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ hay diềm tay áo. Ngũ thân cho nam có cổ cao, thẳng và vuông, tạo cảm giác trang nghiêm, chững chạc. Ngũ thân cho nữ có kiểu cách duyên dáng, thướt tha, với phần cổ thấp hơn, ống tay áo cũng hẹp hơn, vạt cũng ngắn hơn áo cho nam. Tà áo không bó sát người mà rộng, càng xuống càng xòe ra, đuôi tà cong hướng lên trên.
Ngũ thân được chia ra làm hai loại là Áo Tấc (Ngũ thân tay thụng, áo Tế, áo Lễ) và Áo tay chẽn. Áo Tấc được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ qua khỏi đầu gối. Áo Tấc dành cho cả nam và nữ với cổ đứng cài cúc bên phải, tà áo ghép từ năm mảnh vải. Tay áo tấc song song, tay áo dài hơn tay người mặc và có khi chạm đất. Áo tay chẽn là trang phục thông dụng bậc nhất thời Nguyễn, có thân áo tương tự như áo tấc, nhưng phần nối từ khuỷu tay tới quá cổ tay chừng 2cm thì được may kiểu ống hẹp, tiện cho sinh hoạt. Còn hai thân trước của áo thì dài qua khỏi đầu gối tầm 5-7cm, trên mắt cá một đoạn.
Người Việt trẻ đang dành rất nhiều tình cảm cho Việt Cổ phục
Theo lời chị Nga (Thủy Trung Nguyệt), lượng khách trẻ tuổi, đặc biệt là đối tượng nam giới có hứng thú với ngũ thân có dấu hiệu tăng, “đặc biệt là từ sau bộ ảnh ‘Áo dài nam sinh’ đã trở nên ‘viral’ vào tháng 11/2020, cùng lời ‘gợi ý’ rằng nam sinh hãy mặc áo dài thứ 2 đầu tuần của nghệ sĩ Kim Xuân”. Các sự kiện giúp mở mang kiến thức về Việt cổ phục nói chung và ngũ thân nói riêng, cũng như cho phép khách hàng trải nghiệm cũng xuất hiện nhiều hơn so với trước.
Người Việt trẻ hiện nay không chỉ mặc áo dài cách tân vào những dịp Tết, chụp ảnh kỷ yếu hay những sự kiện quan trọng, mà họ còn có thêm những lựa chọn mới mẻ hơn với Ngũ thân. Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng đầu tư chuẩn bị những bộ cổ phục, lên ý tưởng cho những bộ ảnh đặc sắc, góp phần tích cực trong việc quảng bá, nâng cao nhận thức trong nước và quốc tế về những giá trị nhân văn của trang phục này, cũng như tôn vinh một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng, biểu tượng của văn hoá Việt Nam.
Bộ ảnh Áo tấc Bốn mùa - Ngân Phụng:
Xuân |
Hạ |
Thu |
Đông |
Xuân |
Hạ |
Bộ ảnh của Thủy Trung Nguyệt