“Phía Tây thành phố” có gì lạ?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Độc giả Việt Nam nhiều người đã quen với văn hào người Đức Erich Maria Remarque qua tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ viết về thế chiến thứ nhất khi tác giả làm lính tham gia chiến cuộc này.

Cũng từ vị thế người trong cuộc ở cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nhà thơ Lê Minh Khôi với tư cách bác sĩ tuyến đầu cũng vừa trình làng tập tản văn Phía Tây thành phố do NXB Trẻ ấn hành.

“Phía Tây thành phố” có gì lạ? ảnh 1

Bác sĩ Lê Minh Khôi tại UCICC Tổng kho Long Bình, số 9A-B Nguyễn Văn Linh, Bình Hưng, Bình Chánh, nơi Trung tâm Hồi sức Covid-19 đóng quân và ra đời cuốn sách Phía Tây thành phố

Phía Tây không có gì lạ và Phía Tây thành phố có đặc điểm chung ở tâm thế người viết, cả Erich Maria Remarque và Lê Minh Khôi không đi dự “trại sáng tác” mà chính họ đã nhập cuộc. Sự nhập cuộc này ít nhiều xác tín cho những trải nghiệm mà họ viết ra thông qua những ghi nhận trực tiếp đáng tin cậy.

Phía Tây thành phố với dòng đề từ ngay trên trang bìa: “Những câu chuyện dịu dàng trong mắt bão Covid, và những chiều thưa bóng nhân gian”. Ấy là lời đề từ của một tâm hồn thơ dù Lê Minh Khôi và các đồng đội - bác sĩ gọi phía Tây thành phố là “mặt trận phía Tây” nơi đặt Trung tâm hồi sức Covid-19 trực thuộc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM.

Trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, Lê Minh Khôi làm phó Giám đốc trung tâm này và đến nay vẫn còn trực chiến tại đây để trực tiếp giành giật sự sống của người bệnh Covid khỏi tay tử thần.

Lê Minh Khôi sinh năm 1973 tại Quảng Ngãi, anh hiện là PGS.TS giảng dạy bộ môn Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc thuộc ĐH Y Dược TP.HCM. Nhưng trước khi đến với ngành y, Lê Minh Khôi là học sinh giỏi văn của trường chuyên Nghĩa Bình và anh đã làm thơ khi còn là học trò lang thang trên bờ biển Quy Nhơn. Có lẽ làm bác sĩ cứu được nhiều người hơn là chuyên tâm làm thơ nên Lê Minh Khôi đã ra học ngành y ở Huế thay vì học văn khoa để trở thành các nhà thơ, nhà báo chuyên nghiệp.

“Phía Tây thành phố” có gì lạ? ảnh 2

Tập tản văn Phía Tây thành phố

Học y khoa ở Huế xong, Lê Minh Khôi sang Pháp học Bác sĩ Nội trú rồi bảo vệ tiến sĩ ở Đức. Để trở thành bác sĩ Lê Minh Khôi mất nhiều thời gian hơn là trở thành nhà thơ Lê Minh Khôi, hẳn nhiên là vậy. Chẳng thế mà, Lê Minh Khôi cho biết: “Tôi không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn. Viết, đối với tôi, là một nhu cầu cấp bách để sẻ chia, để diễn đạt bản thân và quan trọng nhất là để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này”.

Bằng tâm hồn nhà thơ, Lê Minh Khôi nhận xét về nghề y của anh khi trải lòng thành câu chữ: “Là một thầy thuốc, được có cơ hội đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người”.

Phía Tây thành phố có thể chia làm hai phần, một phần như những trang ghi chép khi tác giả trực tiếp tham gia chống dịch, có thể tính từ bài Bệnh nhân Covid đầu tiên của tôi đến Ngày thành phố bình thường không còn “vắng bóng nhân gian”; phần thứ hai tiếp nối mạch “những câu chuyện dịu dàng” khi tác giả được đi nhiều nơi, nghe và thấy nhiều điều… Khi cuộc sống chậm lại vì dịch bệnh, người ta nghe tiếng gà gáy trong thành phố rõ hơn, ngồi trên xe cấp cứu chạy hàng trăm cây số không cần hú còi hay đạp phanh. Tiếng gà gáy ấy có bất thường, xe cấp cứu không hú còi có bất thường hay chính chúng ta mới bất thường?

“Phía Tây thành phố” có gì lạ? ảnh 3

Nhà thơ, bác sĩ Lê Minh Khôi qua ký họa của họa sĩ Trần Đạt

Những sự bất thường ấy cũng như chiến tranh, may mắn là luôn kết thúc để không “có gì lạ”, như những câu thơ mở đầu trong Phía Tây thành phố:

…Rồi mình sẽ đi qua những mùa bão giông

Rồi mình sẽ đi qua những con đường,

những dãy nhà khép mắt,

những hàng cây khát gió, những bãi xe im lìm nằm ngủ,

những mặt người thao thức,

Rồi mình sẽ qua những đêm sâu, những lưng áo ướt đẫm, những đớn đau, mất mát

Rồi mình sẽ đi qua những hoang mang, những nụ cười buồn và tiếng khóc thật,

Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian,

Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng

Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng

Những mắt cười sẽ biếc xanh như nụ mới

Nhất định ngày ấy sẽ tới…

Được biết toàn bộ lợi nhuận của tập sách Phía Tây thành phố đều được dùng để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.