Đây là tập thơ thứ 3 và là tập sách thứ 6 ( trong gần 30 đầu sách đã xuất bản ) của nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân sau 6 năm anh nghỉ hưu dành thời gian cũng như bút lực cho văn chương.
Hơn 112 trang bản thảo được anh hoàn thành chỉ trong vòng 03 tháng. Điều đáng khâm phục, những trang bản thảo này được thực hiện trong thời gian anh đang phải trị liệu phục hồi sức khỏe sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì tai biến trong chuyến đi công tác ở Hà Giang. Đây cũng là thời gian nhiều tỉnh thành trong cả nước trong đó có TP Hồ Chí Minh, nơi nhà thơ sinh sống, phải thực hiện giãn cách xã hội. Cô con gái nhỏ của anh được gửi về quê ngoại.
Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân và cô con gái nhỏ, nguồn cảm hứng thơ ca của anh |
Trong điều kiện sức khỏe không được tốt cùng với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, cả xã hội dường như trầm cảm vì bị cách ly, đọc những trang thơ trong “Riêng một góc nhìn”, người đọc vẫn cảm nhận được những luồng năng lượng tích cực, tràn đầy yêu thương cho con cái, gia đình và những trăn trở đầy tính thời sự trước đại dịch.
Anh chia sẻ: “Trong thời gian cách ly giãn cách xã hội để chống dịch, điều tôi sợ nhất là buồn. Buồn đến mức tê tái. Không ra khỏi bốn bức tường, không gặp ai, không trò chuyện giao lưu với ai, rồi cùng một lúc mất đi hàng loạt thói quen mỗi ngày. Và sống buồn quá, khép kín quá, ức chế quá, sẽ dễ bị trầm cảm.”
Không cho phép mình nằm yên để nỗi buồn xâm chiếm, Huỳnh Dũng Nhân viết, vẽ, làm thơ, viết nhạc. Mỗi ngày, bên giường bệnh, sau giờ trị liệu, anh lại đeo giá đỡ cổ, ngồi miệt mài bên khung vẽ, bên bàn làm việc để trăn trở và viết. Tâm lực của ngòi bút Huỳnh Dũng Nhân dồi dào đáng kinh ngạc, như cách anh tự mình có thể tự đứng dậy đi lại trong nhà sau tai biến mà không cần trợ giúp.
Cô con gái nhỏ của nhà thơ trong một bức họa và những lời thơ lay động trái tim: "Ở Sài Gòn giờ khó mua cả mớ rau. Tiếng còi cứu thương nghe từng giờ vội vã. Ngang cả nhà người thân rào dây rồi con ạ. Không có tàu xe thời dịch bệnh hoành hành". |
Với Huỳnh Dũng Nhân, vẽ và viết không chỉ giúp anh trải lòng, mà còn là giao thức anh kết nối với bạn bè, xã hội, nhờ thế nỗi buồn sẽ nhanh chóng qua đi khi anh đem được ít nhiều niềm vui cho người khác thông qua những trang viết, những bức ký họa chân dung bạn bè. “Thế giới hình ảnh và sắc màu luôn có ngôn ngữ riêng của nó, thơ cũng vậy. Viết, vẽ, làm thơ, tôi thấy mình không còn là người đang bị tai biến nữa”, anh tâm sự.
Nằm trên giường bệnh nhưng không rời xa cây bút. Đó là một cách sống và làm việc đầy nghị lực và nhiều năng lượng tích cực của một người lấy nghiệp viết làm lẽ sống trên đời. Châm ngôn “Có thể cách ly chống dịch nhưng không thể cách ly cây bút. Trước các vấn đề lớn của xã hội và các câu chuyện có tính chất riêng chung của cuộc sống, người cầm bút không thể thờ ơ đứng bên lề” của Huỳnh Dũng Nhân một lần nữa khiến mỗi người đọc thơ anh, thêm một lần nghĩ suy về thái độ sống của chính mình trước đại dịch toàn cầu.
Góc hội họa của nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân trong mùa dịch. |
Tập thơ “ Riêng một góc nhìn” dày 112 trang, thiết kế bìa của nữ họa sĩ Võ Anh Thơ, do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, có mặt trên các quầy sách từ cuối tháng 7-2021. Ngoài thơ, sách còn in một số tranh và các bản nhạc phổ thơ Huỳnh Dũng Nhân khá thú vị, đậm chất nghệ sĩ 3 trong 1 ở con người nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí đa tài này.