Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 22 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất kết luận, về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù vừa tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương và có bước phát triển mới, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tạo thống nhất cao về nhận thức và hành động

Ban Chỉ đạo đã tham mưu Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp lớn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện 13 Đề án quan trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 23 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là về thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng, về sắp xếp cán bộ bị xử lý kỷ luật, về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới... Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua 08 dự án luật. Chính phủ ban hành 59 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước); Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Ngành Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nổi cộm, dư luận bức xúc; đã kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỷ đồng và 134 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm trước). Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 414 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực; đã xử lý kỷ luật 54 trường hợp, chuyển xử lý hình sự 09 trường hợp; khởi tố 16 vụ án/17 bị can tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức 08 Đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc

Từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 08 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án; kết thúc điều tra 10 vụ án/134 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 06 vụ án/142 bị can; truy tố 07 vụ án/77 bị can; xét xử sơ thẩm 05 vụ án/55 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/53 bị cáo. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm, gồm: Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ” xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương (đang xét xử sơ thẩm).

Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương… trong đó, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Riêng liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can.

Đến nay, 63/63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tỉnh, thành phố đã được thành lập và đi vào hoạt động. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương có sự chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục hoạt động nền nếp, bài bản, mang lại hiệu quả cao.

Kiên quyết khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng ta đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng, Nhà nước. Từ nghiên cứu, ban hành mới đến rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Đảng và các quy định của pháp luật còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Nhất là chúng ta đã từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung chỉ đạo hoàn thành các công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường Chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc.

Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp, sáng 17/8. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, khẩn trương chuẩn bị và tích cực hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sớm kiện toàn tổ chức, xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Cũng tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến đối với: Báo cáo kết quả bước đầu của 8 Đoàn kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; Thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 7 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.