Kịch bản không cầu kì
Bộ phim “Bố Già” kết hợp tên tuổi của Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đã chính thức vượt qua mốc doanh thu 300 tỷ đồng ngoài phòng vé, trở thành phim ăn khách nhất thời gian gần đây. Phim kể câu chuyện cuộc sống xoay quanh một xóm lao động nghèo điển hình ở Thành phố Hồ Chí Minh, với bốn anh chị em tên Giàu, Sang, Phú, Quý, với người anh thứ hai là Ba Sang - nhân vật chính. Ba Sang sống vất vả bằng nghề chở hàng thuê, ki cóp từng đồng nuôi hai con là Quắn và Bù Tọt. Ba Sang bề ngoài là người cha khô khan, cằn cỗi, nhưng ẩn sâu lại là một ông bố vô cùng thương con, sống bao đồng và luôn dùng hết khả năng để giúp đỡ hàng xóm láng giềng.
Tất nhiên, doanh thu khổng lồ mà “Bố Già” có được không thể không kể đến lợi thế có lượng fan hùng hậu của Trấn Thành, fan ruột của Vũ Ngọc Đãng cùng các nhân vật tên tuổi trong làng giải trí góp mặt trong phim. Nhưng rõ ràng, một thành công lớn của Trấn Thành đến từ kịch bản đời thường, gần gũi.
Trong bức tranh gia đình ấy, mỗi người một tính, mỗi thế hệ một cách nghĩ, cách sống… tất cả những nút thắt, những cao trào trong phim đều rất đời, như từ cuộc sống bê vào. Mâu thuẫn giữa các thế hệ trong “Bố Già” gặp khá phổ biến ngoài đời, thậm chí nhiều tình tiết trở thành “chuyện thường nhật” trong nhiều gia đình có 2-3 thế hệ sinh sống cùng nhau. Lời thoại trong phim chân thật, đạo diễn luôn cố gắng sử dụng ngôn ngữ đời thường nhất có thể, chính điều này khiến cho khán giả thích thú.
Phim “Về nhà đi con”. |
Tương tự phim rạp, màn ảnh nhỏ trên truyền hình cũng nở rộ nhiều “bom tấn” nghiêng về đề tài gia đình: “Về nhà đi con”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cả một đời ân oán”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”... Và mới đây nhất là bộ phim “Hướng dương ngược nắng”. Sắp tới, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) còn bật mí sẽ ra mắt bộ phim “Hương vị tình thân” - cũng đề tài gia đình dài hơn 100 tập, hứa hẹn thu hút độc giả.
Những năm qua, phim truyền hình về gia đình tạo cơn sốt không hề nhỏ với khán giả yêu thích. Nhiều bộ phim thực sự cuốn hút, khán giả không chỉ xem trên ti vi mà còn tạo thành các diễn đàn trên mạng xã hội cùng bình luận, chia sẻ, “sống cùng nhân vật”. Điều này cũng cho thấy, độ “chín” trong diễn xuất của nhiều diên viên trẻ, đã quen thuộc với khán giả truyền hình như Hồng Đăng, Mạnh Trường, Phương Oanh, Thu Quỳnh… bên cạnh dàn diễn viên gạo cội… kịch bản phim truyền hình Việt ngày càng có nhiều thay đổi rõ nét, gần gũi với cuộc sống trong mỗi tình huống, vai diễn chứ không còn kịch như trước.
Phim “Hướng dương ngược nắng”. |
Dễ mà khó
Từ 2019 đến nay, những bộ phim về đề tài gia đình đã làm mưa làm gió trên thị trường. Với nhịp sống như hiện nay, con người bị cuốn theo công việc, những tham vọng, những bộn bề lo âu thì cuối cùng chỗ dựa vững chắc vẫn là gia đình. Nhất là khi cơn bão COVID-19 ập đến, phim gia đình càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người Việt khi ai cũng muốn gần nhau hơn, nắm chặt tay nhau cùng vượt qua khó khăn.
Biên kịch Hồng Nhung nhận định: “Phim gia đình chưa bao giờ thôi hết hot với khán giả Việt, thậm chí còn có thể trở thành thể loại phim chủ chốt trong năm 2021 khi mà chúng ta trải qua một năm COVID-19 nhiều biến động, cần sự gắn kết, chia sẻ của gia đình. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc làm phim gia đình nên cần có góc nhìn mới, không thể chỉ bao quanh ở chuyện mâu thuẫn gia đình, những vụn vặt, nhỏ nhoi... giúp khán giả luôn có món mới thưởng thức và không bị ngán ngẩm”.
Phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp”. |
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều đạo diễn trẻ. Chắc chắn những câu chuyện gia đình trên phim vẫn sẽ là thế mạnh và hướng đi an toàn cho các đạo diễn làm phim Việt.
Tuy nhiên, theo một đạo diễn có tiếng trong làng phim chia sẻ chân thành trên trang cá nhân, phim về đề tài gia đình thường có chủ đề đại chúng, mang tính “toàn cầu” như tình cha con, tình cảm gia đình. Không phải phim nào về chủ đề “toàn cầu” ấy cũng thành công nếu truyền tải cảm xúc giả tạo hoặc trình độ làm phim kém. Làm phim kiểu hời hợt, thiếu sáng tạo, thiếu nhân văn… thì phim về tình cảm gia đình vẫn thất bại như thường.
Càng có những phim gia đình thành công vang dội như Bố Già càng khiến áp lực phải thắng, phải vượt phim cũ trở nên khó khăn hơn cho các đạo diễn trẻ đi sau. Điều cần nhất trong làm phim là sự sáng tạo trên những nền tảng tưởng đã quá quen thuộc.