Trong văn bản phát đi ngày 22/11, ông Hùng yêu cầu các quận kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường dorac thải tồn động,xác định rõ nguyên nhân; xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng ùn ứ rác.
Ông Hùng giao UBND quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm chủ trì, phối hợp với các sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; Công ty Minh Quân (nay đổi tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) nhanh chóng thu gom toàn bộ lượng rác thải tồn đọng.
Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) được giao nhiệm vụ phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thu gom, vận chuyển rác, báo cáo kết quả với thành phố trước 25/11.
Hơn một tuần qua, trên nhiều tuyến phố ở phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm), rác chất đống trên vỉa hè, đầu ngõ, bốc mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Khắc Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, giải thích "khối lượng phát sinh quá nhiều", chênh lệch lớn so với mức ban đầu khi đấu thầu. Công ty đã đề nghị song thành phố chưa có quyết định hạch toán theo khối lượng phát sinh này, dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Sau ba năm đấu thầu tập trung, từ ngày 1/1/2021, thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã là chủ đầu tư việc duy trì vệ sinh trên địa bàn. Sau khi lựa chọn nhà thầu, thành phố ký thỏa thuận khung và bàn giao cho chủ đầu tư là UBND quận, huyện, thị xã ký hợp đồng chi tiết làm cơ sở thanh toán.
Từ năm 2014 đến 2017, Hà Nội giao cho các quận, huyện tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị duy trì vệ sinh trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, việc thu gom rác tại các quận, huyện thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung. Thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm Mua sắm tài sản công (Sở Tài chính) tổ chức đấu thầu dịch vụ môi trường với 26 gói thầu, thực hiện trong 3 năm 10 tháng (đến hết năm 2020).