Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo như trên với đoàn công tác của của Chính phủ, do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, đi kiểm tra hồ Kẻ Gỗ sáng 20/10.
Mưa lớn những ngày qua nên các hồ đập ở Hà Tĩnh "cơ bản đầy và đang xả lũ", theo ông Sơn. Trong đó, trọng điểm là khu vực hồ Kẻ Gỗ, bởi hồ có dung tích hơn 300 triệu m3 nước. Trước khi xảy ra mưa, mực nước hồ đạt 25 m, nhưng chiều 18/10 đã đạt 33,9 m. Trong khi đó, mức an toàn là 32,5 m.
"Nếu mực nước lên 35 m thì phải xử lý tình huống tràn đập. Hai ngày qua, mực nước tại thời điểm cao nhất còn cách mức tràn đập 1,1 m", ông Sơn nói.
Dự báo những ngày tới còn mưa lớn, nên tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 5 kịch bản vận hành hồ Kẻ Gỗ, tương ứng với từng mực nước, khả năng ứng phó và dự báo lượng mưa. Mỗi tình huống sẽ có quy trình riêng để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại khu vực hạ du.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh nói hồ Kẻ Gỗ và hệ thống xả lũ dưới hạ du được xây dựng từ những năm 1970, nên đến nay bị bồi lấp nhiều, việc thoát lũ rất chậm. Vì vậy, ông đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh về chủ trương và vốn để giải quyết tổng thể các công trình thoát nước ở đây.
Về kịch bản phá tràn hồ Kẻ Gỗ, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng "chưa nên sử dụng" cho dù địa phương này đang trong những ngày đỉnh điểm mưa lũ. "Nếu xảy ra tình huống tràn đập, lượng nước xả đạt 4.000 m3 mỗi giây, sẽ gây ra ngập lụt rất lớn", ông Sơn nói.
Lãnh đạo HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục giảm mực nước hồ Kẻ Gỗ đến mức 29 m. "Lượng mưa lớn như vậy nên việc vận hành hồ Kẻ Gỗ hết sức quan trọng. Tỉnh nên lập hội đồng khoa học để nghiên cứu thật kỹ lưỡng vấn đề này", ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay đến trưa nay mực nước hồ đã về gần mực dâng bình thường (32,5m), trong khi đó mưa đã giảm, dự báo ngày mai mưa nhỏ nên hồ sẽ tiếp tục xả lũ với lưu lượng từ 500 m3 đến 700 m3 mỗi giây để đón đợt lũ mới.
"Hiện hồ Kẻ Gỗ đã an toàn", ông Hiệp nói và khẳng định thông tin kịch bản phá tràn hồ mà Hà Tính chuẩn bị sử dụng khi mực nước lên 35 m chưa cần dùng đến.
Thông tin về tình hình xả lũ ba ngày qua, ông Nguyễn Quốc An - Trạm trưởng trạm bơm đầu mối hồ Kẻ Gỗ, cho biết hồ đã xả khoảng 90 triệu m3 nước xuống hạ du. Lúc xả nhiều nhất là 1050 m3 mỗi giây và duy trì trong hai giờ.
"Việc phá tràn sẽ phụ thuộc vào lượng mưa, theo tính toán xác xuất 1.000 năm mới có một lần bắt buộc phá tràn", ông An nói và giải thích thêm, thiết kế đoạn đập phá tràn dài khoảng 192 m, khi mực nước dâng quá cao, ban quản lý hồ sẽ dùng thuốc nổ phá một góc để nước tràn qua hoặc có thể tự vỡ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền địa phương tập trung đảm bảo an toàn hồ đập. "Hồ Kẻ Gỗ có sức chứa rất lớn, lại gần khu đông dân cư, nhất là TP Hà Tĩnh, nếu xảy ra sự cố sẽ thiệt hại rất lớn", ông nói.
Mưa lớn dồn dập từ 7h ngày 15/10 đến 4h ngày 20/10 đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 90 xã của 10 huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh, độ sâu từ 0,5 đến 1 m; các xã của huyện Cẩm Xuyên ngập sâu đến 2 m. Các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đã phải xả tràn, trong đó mức độ ảnh hưởng lớn nhất là hồ Kẻ Gỗ. Tỉnh Hà Tĩnh đã sơ tán 41.000 người.
Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên gồm một đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m3. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du. Đây cũng là một trong những hồ đập lớn nhất cả nước.
Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ cho biết, từ lúc vận hành năm 1979 đến nay, hồ chưa lần nào phải phá tràn sự cố.