Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn và có chính sách ưu đãi cho các đối tượng người có công. Các chính sách đối với người có công chủ yếu gồm: Hỗ trợ về nhà ở (Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); trợ cấp một lần hoặc trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (mức chuẩn tại Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018); cấp thẻ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khoẻ; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; tiền tuất, trợ cấp nuôi dưỡng; mai táng phí; ưu tiên trong giáo dục đào tạo, dạy nghề và việc làm; đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thường xuyên tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công, gia đình chính sách.
“Chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp công ơn của các lớp cha anh. Cả hệ thống chính trị phải tăng cường nhận thức, có trách nhiệm và làm hết khả năng của chúng ta để quan tâm đến đời sống của người có công, gia đình chính sách”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Gần đây, sau đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị giao các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, xử lý những vướng mắc trong quy định, quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ công tác người có công; giao UBND cấp tỉnh rà soát bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết thực hiện Nghị quyết 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (nâng mức trợ đối với người có công với cách mạng từ 1.416.000 đồng lên mức 1.515.000 đồng và hiện nay đang trình Chính phủ ban hành Nghị định mới, theo đó, mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng lên là 1.624.000 đồng, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2019). Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Theo đó, chính sách người có công đang tiếp tục được hoàn thiện. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14-CT/BBT ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng. Chính phủ đang lập Đề án trình Quốc hội dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công trên tinh thần các chế độ, chính sách, ưu đãi đối với người có công ngày càng được nâng lên.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Long trong việc quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách cho người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; đề nghị tỉnh phát huy, làm tốt hơn nữa công tác đầy ý nghĩa này. Không nên chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ của Trung ương mà tỉnh cũng cần chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn mỗi người có công tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sĩ cộng sản, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, trước hết là vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở vị trí là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng và nhiều nhà lãnh đạo tiền bối, xuất sắc của Đảng và đất nước như: Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữa nước của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào, nhân dân ở mọi miền đất nước đã phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất rất lớn, trong đó có sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ người dân Vĩnh Long.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 63.000 người có công; trên 16.300 liệt sĩ, hơn 4.500 thương binh, 2.838 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 174 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); trên 7.000 người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; còn lại trên 32.362 đối tượng như: Người có công, gia đình có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và đối tượng khác. Hiện có trên 11.000 người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng và 100% người có công với cách mạng đều có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.