Sáng 23-3, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp, phương án để phòng chống dịch của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên thế giới, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân dịch Covid-19 lây lan nhanh và tử vong nhiều ở một số nơi là do không khống chế được ngay từ đầu, tới khi có nhiều người mắc thì quá tải. Việc điều trị đến nay chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Việc nghiên cứu vaccine rất khẩn trương, tuy nhiên, để có thể đưa vaccine vào sử dụng phải mất tối thiểu một năm.
Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội; khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch trong đó có khẩu trang, kit thử, máy thở… diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia đều phải đứng trước sự tính toán, cân nhắc giữa việc ưu tiên các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, hạn chế giao lưu với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng cho biết, tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu dịch thì Bộ Y tế đã xác định các mục tiêu, yêu cầu cụ thể là: Ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lan rộng; Giảm tối đa ca tử vong do dịch bệnh; Không để lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị người nhiễm bệnh; Không để tâm lý xã hội hoảng loạn hoặc lơ là chủ quan; Hài hòa giữa yêu cầu chống dịch với yêu cầu quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp các ngành để dự báo tình huống và xây dựng năm kịch bản phòng chống theo các cấp độ, với tinh thần phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra, và phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để tình huống đó không thể xấu đi. Theo đó, trong năm cấp độ kịch bản, tình huống xấu nhất là dịch có thể lây lan trên diện rộng với hơn 30.000 ca mắc Covid-19.
“Bằng nhiều biện pháp cụ thể, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp chống dịch cụ thể như: Ngăn chặn dịch xâm nhập; Phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm; Thực hiện cách ly (04 vòng cách ly); Khoanh vùng, dập dịch; Tăng cường năng lực điều trị; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; Công tác thông tin, truyền thông.
Theo đó, kết quả đạt được của Việt Nam ở giai đoạn đầu chống dịch được đánh giá là thành công với 16/16 ca nhiễm đều được chữa trị khỏi. Kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam ở giai đoạn đầu đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận và khuyến cáo cho các nước.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2, khi dịch đã lan sang châu Âu và diễn biến phức tạp, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam có kinh nghiệm ở giai đoạn trước nhưng sẽ vẫn có khả năng có hàng nghìn ca nhiễm, có dự báo đưa ra mức 600 đến 4.000 ca nhiễm và 40 đến 160 ca tử vong.
"Phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro, đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nói.
Đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang kiểm soát ở thế chủ động để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đặc biệt là việc sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, cách ly triệt để.
Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi mọi người dân trở thành những chiến sĩ, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh để cả nước sớm chiến thắng dịch Covid-19, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường trở lại.