Sáng đi ăn phở, ngồi cùng bàn với một cặp đôi dường như còn trong giai đoạn mới bắt đầu hẹn hò, hoặc mới quẹt phải nhau trên tinder. Cậu trai chắc là khách quen của quán, gọi kiểu rất thành thạo:
- Cho hai bát tái gầu nước sốt vang nhé! Nhà này nước sốt vang rất ngon, em ạ!
Phở bưng ra, cô gái cầm đũa, nhìn và nhận xét:
- Trông hơi béo, anh nhỉ.
- Nhưng đậm đà, chất lượng, và hương vị tự nhiên lắm!
- Em thích ăn phở kiểu truyền thống Hà Nội hơn. Nước thanh, vị thanh, dịu dàng. Nói chung là bát phở kiểu Hà Nội nó thanh lịch như người Hà Nội ý anh. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài mà.
Cậu trai đặt đôi đũa xuống bàn, vươn thẳng lưng, khiến tôi nghĩ sắp có drama. Nhưng có vẻ cậu nhịn được.
- Lần sau em dẫn anh đến quán quen nhé!
Họ nhanh chóng ăn cạn đáy bát phở, nhanh hơn tưởng tượng khiến tôi có một chút hụt hẫng. Cậu trai đứng lên trả tiền, có vẻ bối rối. Lúc đôi trẻ ra ngoài, anh chủ ra dọn bát, buông một câu:
- Phở thì liên quan gì đến hoa nhài!
Phở và hoa nhài chắc chắn không liên quan đến nhau. Hoa nhài trong câu ca dao cô gái nhắc đến là một biểu tượng của sự cảnh vẻ thị dân. Còn phở là món ăn của cần lao phường phố, là biểu tượng của phồn thực thị thành. Người ta ăn phở vì thèm đạm, thích mỡ màu đậm vị chứ không phải để thể hiện sự thanh cảnh. Ăn để lấy sức chứ không phải để làm màu.
Nên, để bảo vệ văn hoá phở, đã đến lúc các nhà bán phở truyền thống cần nêu cao khẩu hiệu: Phở thì liên quan gì đến hoa nhài.