Phóng viên y tế và những ngày ăn, ngủ cùng COVID-19

[Ngày Nay] - Kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam năm nay với các phóng viên y tế đi liền với kỷ niệm “để đời” nhất mà suốt hơn chục năm tác nghiệp trong nghề chúng tôi chưa bao giờ trải qua. Đó là những giờ phút, những tháng ngày ăn, ngủ cùng COVID-19 không dễ gì quên được.
Phóng viên y tế và những ngày ăn, ngủ cùng COVID-19

Họp đến… nửa đêm

Ngay từ khi xuất hiện chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc là nhóm công nhân trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc), chúng tôi liên tục tham dự các cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Những cuộc họp thật khác thường và đặc biệt: Khác thường bởi thời gian họp không vào giờ hành chính mà thường từ cuối giờ chiều trở đi, kéo dài đến tận 19g30. Và đặc biệt bởi những thành viên tham gia hội nghị không có đông đủ các thành phần tham dự tại chỗ, chủ yếu qua trực tuyến. Đặc biệt bởi từ trước đến nay tôi chưa tham dự cuộc họp nào mà từ đại biểu tham dự đến phóng viên đều… đeo khẩu trang kín mít. Kèm theo đó, mọi người có thói quen mới - rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng họp. Cánh phóng viên chúng tôi có người còn cẩn thận hơn khi mang sẵn lọ nước sát khuẩn, chốc chốc lại lôi ra xịt, rửa.

Các cuộc họp trong mùa COVID-19 trở nên căng thẳng, khẩn cấp hơn bắt đầu từ khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh đầu tiên - bệnh nhân số 17. Đó là vào ngày 6/3, sau khi cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch TP kết thúc vào cuối giờ chiều, phóng viên nán lại hoàn thành nốt tin, bài và đóng máy ra về lúc 19g. Vừa về tới nhà, sau khi ăn vội bát cơm, tôi lại nhận được thông tin triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong đêm vì phát hiện ca bệnh từ châu Âu về. Tất cả phóng viên y tế lại nháo nhào quay trở lại phòng họp vẫn còn “ấm chỗ” cách đây vài tiếng đồng hồ.

Phóng viên y tế và những ngày ăn, ngủ cùng COVID-19 ảnh 1

Cuộc họp khẩn đêm 6/3 thực sự là cuộc họp đáng nhớ bởi lúc đó thông tin về bệnh nhân ngập tràn trên mạng xã hội, phóng viên ngồi dự họp không thể không nôn nóng, sốt ruột. Nhưng nguyên tắc làm nghề vẫn phải giữ, làm sao để đưa tin kịp thời nhưng cũng đảm bảo chính xác, không khiến cộng đồng hoang mang. Nhóm phóng viên nội chính, y tế  chúng tôi đã có một đêm trắng đáng nhớ. Khi mọi người xử lý thông tin, đẩy lên hệ thống và đóng máy ra về cũng là lúc đồng hồ đã nhích sang con số 24h.

Nữ bệnh nhân này đi về từ vùng dịch nhưng không có ý thức khai báo y tế khiến nhiều người liên lụy… Ngay sáng hôm sau, PV y tế chúng tôi lại tiếp tục tham dự cuộc họp khẩn để nắm bắt thông tin về các công việc đã triển khai trong đêm. Đây là thời điểm bắt đầu chuỗi ngày “ăn, ngủ cùng Covid” của chúng tôi. Những giấc ngủ chập chờn, những bữa ăn vội, những chuyến xe về vùng dịch chóng vánh với bộ trang phục bảo hộ nóng toát mồ hôi…

Tất cả mọi ý nghĩ, tin bài của chúng tôi suốt những ngày sau đó chỉ là về COVID. Sau khi bệnh nhân 17 được phát hiện thì những ca bệnh tiếp theo là người tiếp xúc với bệnh nhân này được ghi nhận; nhiều hành khách cùng chuyến bay cũng được phát hiện qua rà soát hành trình và giám sát y tế. Thông tin dồn dập về các ca bệnh mới được phát hiện từ Ban chỉ đạo Quốc gia khiến chúng tôi “đứng ngồi không yên”, máy tính, điện thoại luôn bật mạng để tránh “lọt tin”, “sót tin”.

Tình huống nóng hổi đến mức khi ngồi ăn cơm, tôi cũng phải đặt điện thoại trước mặt và 5 phút mở ra theo dõi một lần. Có những thời điểm, chỉ bẵng đi 15 phút mà chúng tôi để tuột mất thông tin mới. Để ứng phó với tình huống này, “liên minh phóng viên” chúng tôi đã phân công nhau “trực chiến”, cứ có thông tin mới thì người này gọi cho người kia để kịp thời xử lý, gửi đến tòa soạn. Nhờ có những cách làm này mà các thông tin luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời.

Trong thời gian khó quên ấy, mỗi khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh mới thì cuộc họp khẩn lại được triệu tập và chúng tôi “vắt chân lên cổ” để kịp đến đưa tin. Thời điểm này, có những bữa ăn trưa bắt đầu lúc 14g-15g chiều, bữa cơm tối lúc 21g bởi chúng tôi cố nán lại làm cho xong để kịp gửi đến độc giả những thông tin nóng hổi nhất.

Đã có những ngày khi chúng tôi vừa rời cuộc họp của Ban chỉ đạo TP Hà Nội, về đến nhà, bưng bát cơm lên lại có thông tin mới về ca bệnh, lại buông bát đũa, “vồ” lấy máy tính và mải miết xử lý thông tin. Lại nhớ, có những ngày đã 22g, 23g, thậm chí gần 24g mà diễn đàn của nhóm phóng viên y tế vẫn thao thức, trao đổi thông tin, chuyện trò liên tục vì ngóng thông tin ca bệnh mới… Trong những ngày không quên đó, có cả sự mệt nhọc lẫn như hồi hộp, thao thức, ngóng chờ. Đó là những cung bậc cảm xúc mà chỉ những người được phân công theo dõi về tình hình dịch Covid-19 mới thấu hiểu một cách chân thực, sâu sắc nhất.

Buồn, vui theo dòng chảy thông tin

Quá trình tác nghiệp, đưa thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19, tôi đã được chứng kiến sự hi sinh thầm lặng của những “chiến sỹ áo trắng”, của lực lượng lũ trang và cả của các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch. Tất cả họ đều làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ, không kêu ca để ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, mang đến cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Thái độ ấy, tinh thần tận hiến ấy đã khiến tôi cảm phục sâu sắc.

Đó là những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch lao đi trong đêm tối để lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp có biểu nghiện nghi ngờ; là những người mặc bộ đồ bảo hộ cả ngày dài đằng đẵng để lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng trong điều kiện thời tiết ngoài trời nồm ẩm đầy bức bối. Họ cũng ăn những bữa cơm rất vội ngay tại nơi làm việc, ngủ những phút chập chờn để trực chờ đường dây nóng.... 

Phóng viên y tế và những ngày ăn, ngủ cùng COVID-19 ảnh 2

Còn tại bệnh viện, có nhiều bác sỹ, điều dưỡng phải xa gia đình suốt thời gian dài đằng đẵng để làm việc trong môi trường đầy nguy cơ lây nhiễm. Nghe nữ Điều dưỡng Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng Trưởng, khoa Hồi sức tích cực-BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ về những ngày điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tôi càng thêm thông cảm: Đã 2 tháng chị không được về nhà, mọi việc chăm con, dạy con học đều do chồng đảm nhận. Trong 2 tháng ấy, những lúc con nhớ mẹ, chồng chị cho con đến cổng bệnh viện 3 lần để nhìn mẹ và chào mẹ từ xa. Thấy con gái gầy guộc hơn chị cũng thắt lòng, nhưng chị vẫn nén lòng lại để làm tốt công việc.

Đó là những người tình nguyện xung phong đến tuyến đầu hỗ trợ những nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng ở Hà Nội. Lao vào vùng nguy hiểm với những nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập, bủa vây nhưng họ quan niệm thật giản dị: “làm tình nguyện vì sự mách bảo của trái tim”, “mong muốn góp phần nhỏ bé đẩy lùi dịch bệnh mang đến cuộc sống bình yên”. Tiếp xúc với họ, nghe họ sẻ chia những lẽ sống giản dị ấy, người làm báo như tôi càng thêm trân quý và tin tưởng vào lòng tốt vẫn rất nhiều trong cuộc sống này.

Người làm báo nói chung và PV đưa tin về tình hình dịch Covid-19 nói riêng trải qua những cảm xúc vui, buồn của dòng chảy thông tin. Đối với chúng tôi, khi đưa tin về đại dịch Covid-19 có lẽ cảm giác buồn, giận nhất là khi bệnh nhân 17, bệnh nhân 34 đã không khai báo y tế trung thực khiến cho nhiều người bị ảnh hưởng: cả hệ thống chính quyền của Hà Nội phải trắng đêm rà soát hành trình đi chuyển, truy tìm tung tích những người từng tiếp xúc với bệnh nhân này. Kéo theo đó là công tác cách ly, phong tỏa, theo dõi sức khỏe hàng ngày cho hàng trăm người tiếp xúc F1,2,3…  

Trong bối cảnh số ca mắc liên tục gia tăng, trong đó có cả những ca ngoài cộng đồng, điều lo lắng nhất là đảm bảo hệ thống y tế phục vụ điều trị. Đúng lúc này, thông tin “sét đánh” là một bác sỹ truyền nhiễm (khoa cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương) làm công tác điều trị đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Chúng tôi vừa xót thương cho những nhân viên y tế làm việc trong môi trường nguy hiểm lại vừa thêm lo lắng nếu dịch bùng phát trong bệnh viện thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân?;

Cứ thế, các cung bậc cảm xúc diễn biến theo tình hình dịch. Khi có bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch chúng tôi lại thầm cầu nguyện cho họ sẽ qua khỏi. Dõi theo quá trình giằng giật sự sống của bệnh nhân giữa các thầy thuốc và thần chết với nhiều phen “1 phần sống, 9 phần chết” chúng tôi càng thêm khâm phục những nỗ lực không mệt mỏi, không bỏ cuộc của ngành y tế Việt Nam. Và những nỗ lực ấy đã được đền đáp xứng đáng với cảm xúc vỡ òa khi các bệnh nhân nặng đều được cứu sống một cách đầy ngoạn mục.

Đáng nhớ là bệnh nhân 19 với 3 lần ngừng tim, hôn mê nhưng được cứu sống, sức khỏe hồi phục, tinh thần minh mẫn. Gần 3 tháng gắn bó với bệnh viện, với nhân viên y tế, bệnh nhân vui mừng, phấn khởi khi được xuất viện về nhà đoàn tụ. Chứng kiến niềm vui ấy, chúng tôi cũng hân hoan khôn tả. Hay như bệnh nhân 91-nam phi công người Anh đã trải qua những thời điểm sự sống chỉ còn leo lét như ngọn đèn trước gió với tình trạng đông đặc phổi chỉ còn 10% nhưng các thầy thuốc vẫn cố gắng chữa trị vì “còn nước còn tát”. Nỗ lực ấy cũng được đền đáp với sự phục hồi kỳ diệu, bệnh nhân đã tỉnh, có thể cử động được, đã mỉm cười sau chuỗi ngày nguy kịch.

Họ hoàn toàn là những người xa lạ, nhưng chứng kiến ngành y tế Việt Nam với hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành, những thầy thuốc, nhân viên y tế ở bệnh viên nỗ lực, căng mình ngày đêm cân não để giành giật sự sống cho họ chúng tôi cảm nhận được bỗng thấy được quyết tâm cao, tinh thần nhân văn của những người mặc áo blouse… nên khi họ khỏi bệnh chúng tôi bỗng thấy vui như thể họ là người thân của mình khỏi bệnh. Mọi áp lực, mọi gánh nặng được trút bỏ…

Nghề báo đôi khi là nghề như một cuộc rong chơi trên cánh đồng chữ. Chúng tôi được thỏa thuê lao động và thu hoạch cho mình những sản phẩm tâm đắc. Và đối với mỗi người, trải qua thời gian làm báo đều tích lũy được rất nhiều về cảm xúc, về vốn sống không dễ gì ở những công việc khác có thể có những cơ hội trải nghiệm. Với tôi, những ngày tác nghiệp về đại dịch Covid-19 là chuỗi ngày không quên với nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc và trải nghiệm thú vị. Nghề báo vẫn luôn luôn hấp dẫn tôi vì lý do như thế.

Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.