Theo kết quả nghiên cứu của Đại học College London (Vương quốc Anh) tuần vừa qua, các bậc phụ huynh có xu hướng tin tưởng thái quá vào kết quả học tập của con mình trong môn đọc và toán học bất kể giới tính. Tuy nhiên, trong lĩnh vực toán học, họ đánh giá kỹ năng của con trai ở mức cao hơn đáng kể.
Bà Valentina Tonei, nhà kinh tế học tại trường Đại học Southampton, cho biết: “Chúng tôi biết rằng những định kiến về giới có thể là một lời tiên đoán tự ứng nghiệm”.
“Đôi khi chúng ta nghe mọi người nói rằng các nữ sinh không thích môn toán, nhưng bằng chứng nào cho thấy lý do tại sao các em ấy không thích môn toán? Tôi khá tin chắc rằng không phải là các em ấy không thích môn toán mà đó là kết quả do nhiều năm tiếp xúc với những định kiến", bà Tonei chỉ ra.
Bà Tonei và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ khoảng 3.000 trẻ em và cha mẹ tham gia Nghiên cứu dài hạn về trẻ em Australia (LSAC). Các bậc cha mẹ được yêu cầu đánh giá khả năng toán học và đọc của con mình vào các thời điểm khác nhau và những điểm số này được so sánh với kết quả thực tế của trẻ trong các bài kiểm tra Naplan, tương đương với Sats của Australia, được thực hiện khi trẻ từ 8 đến 9 tuổi.
Điểm kiểm tra cho thấy có sự khác biệt nhỏ về giới tính, trong đó nữ sinh đạt thêm 1,7% điểm số cao hơn so với điểm đánh giá ở môn đọc và nam sinh đạt thêm 0,6% ở môn toán. Trong môn đọc, cha mẹ có xu hướng đánh giá khả năng của con gái cao hơn.
Tuy nhiên, điểm kiểm tra thực tế lại cho thấy rằng con gái có thành tích vượt trội hơn so với đánh giá của cha mẹ. Mặt khác, trong môn toán, sự tự tin quá mức của cha mẹ vào kỹ năng của con trai đã vượt xa thành tích học tập của chúng một cách đáng kể.
Tuy nhiên, sự thiên vị về giới tính này không được thấy ở khoảng 1/10 phụ huynh tình cờ trả lời bảng câu hỏi sau khi họ nhận được điểm của con mình. Ảnh hưởng của định kiến về giới cũng ít hơn ở những bà mẹ có trình độ học vấn cao và những người làm việc trong những ngành nghề chủ yếu do phụ nữ chiếm ưu thế.
Bà Tonei nhận định: “Phụ huynh cần thông tin rõ ràng và khách quan về kỹ năng, khả năng để hỗ trợ con mình một cách tốt nhất. Rất nhiều thành kiến là vô thức nên chúng ta cần phải hành động sớm. Những điểm kiểm tra này có thể là một công cụ khá mạnh mẽ trong việc làm thế nào để thay đổi niềm tin của các bậc cha mẹ.”
Nghiên cứu cũng ám chỉ rằng sự thiên vị của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến hướng phát triển giáo dục của trẻ. Khi các nhà nghiên cứu theo dõi kết quả bài kiểm tra Naplan của những đứa trẻ sau hai năm tiếp theo, những trẻ được cha mẹ đánh giá cao khả năng của mình có xu hướng làm tốt hơn. Cùng với đó, khoảng cách điểm số giữa nam và nữ ngày càng lớn trong môn toán.
Bà Tonei cho biết: “Cha mẹ càng đánh giá cao thì trình độ kỹ năng của những đứa trẻ càng tăng trong hai năm sau đó. Do các kỹ năng toán học ở con trai được cha mẹ đánh giá thiên vị nên dẫn đến sự gia tăng trong khác biệt về kỹ năng toán học giữa con trai và con gái. Điều này có thể góp phần làm gia tăng khoảng cách giới tính theo thời gian".
Giáo sư Gina Rippon, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Aston, người đã nghiên cứu câu hỏi về sự khác biệt giới tính trong não, cho biết những phát hiện này có rất nhiều bằng chứng về tâm lý học cho thấy định kiến giới tính có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái.
Bà cho biết: “Tâm lý học từ lâu đã biết rằng cha mẹ mong đợi những điều khác nhau ở con trai và con gái,” đồng thời nói thêm rằng thật đáng khích lệ khi việc cung cấp điểm số khách quan dường như giúp chống lại sự thiên vị này.