Báo cáo của WEF cũng cho thấy sự chênh lệch về tiền lương giữa nam giới và nữ giới dần thu hẹp ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong thập kỷ qua, nhưng mở rộng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Báo cáo thường niên được WEF thực hiện dựa trên số liệu theo dõi 153 quốc gia ở 4 lĩnh vực: giáo dục, y tế, cơ hội kinh tế và trao quyền chính trị. Khoảng cách giới tính chung cho tất cả lĩnh vực trên giảm còn 99,5 năm so với 108 năm vào năm ngoái. Trong lĩnh vực giáo dục, khoảng cách giới đã giảm 96% và cần thêm 12 năm để xóa bỏ. Trong lĩnh vực y tế, khoảng cách này tương đối nhỏ, nhưng các nhà nghiên cứu chưa biết cần bao lâu để đạt bình đẳng giới hoàn toàn.
Trong khi đó, chính trị cũng ghi nhận cải thiện lớn về vấn đề này. Năm 2019, phụ nữ giữ 25,2% số ghế trong hạ viện, và 22,1% vị trí bộ trưởng, so với tỷ lệ 24,1% và 19% trong năm 2018. Tuy nhiên, WEF chỉ ra tiến bộ về bất bình đẳng giới có sự chênh lệch ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước Tây Âu cần 54,4 năm để xóa khoảng cách giới, nhưng các nước ở Trung Đông và Bắc Phi phải mất 140 năm.
Báo cáo của WEF cho thấy các nước Bắc Âu đi đầu về thực hiện bình đẳng giới, với Iceland ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Trong khi đó, Syria, Pakistan, Iraq và Yemen là các quốc gia xếp cuối bảng trong danh sách các nước tham gia khảo sát. Việt Nam xếp thứ 87 trong bảng xếp hạng chỉ số bình đẳng giới chung của WEF, tụt 10 bậc so với năm 2018. Ngoài ra, báo cáo của WEF chỉ ra Việt Nam xếp lần lượt ở vị trí 31 về chỉ số cơ hội kinh tế, 93 về giáo dục, 151 về y tế...
Xét trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Đức xếp ở vị trí thứ 10, theo sau là Pháp (15), Nam Phi (17), Canada (19) và Anh (21). Mỹ tụt hai bậc xuống vị trí 53. Báo cáo của WEF chỉ ra “phụ nữ Mỹ vẫn phải đấu tranh cho các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp và chưa được công nhận trong vai trò lãnh đạo chính trị”.