Khoảng trống về bình đẳng giới toàn cầu

(Ngày Nay) - Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu hàng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng Iceland là quốc gia bình đẳng nhất trong năm thứ 11 liên tiếp, tiếp theo là các nước láng giềng như Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển, trong khi Syria, Pakistan, Iraq và Yemen xếp hạng thấp nhất.



Khoảng trống về bình đẳng giới toàn cầu

Báo cáo đã phân tích 153 quốc gia trong tiến trình hướng tới bình đẳng giới, tập trung vào 4 chủ đề chính: mức độ tham gia kinh tế, trình độ học vấn, sức khỏe và sự sống còn cũng như mức độ trao quyền chính trị.

"Báo cáo năm nay nhấn mạnh sự cấp bách ngày càng tăng của hành động. Với tốc độ thay đổi hiện nay, sẽ mất gần một thế kỷ để đạt được sự bình đẳng giới, một mốc thời gian mà chúng ta đơn giản không thể chấp nhận trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, đặc biệt là trong các thế hệ trẻ, những người có quan điểm ngày càng tiến bộ về bình đẳng giới".

Theo báo cáo, một số chủ đề đã chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt, ví dụ đã có 35 quốc gia đạt được bình đẳng giới trong trình độ học vấn và tất cả các quốc gia dự kiến sẽ đạt được điều này trong vòng 12 năm tới.

Sức khỏe và sự sống còn của phụ nữ cũng được cải thiện, với 48 quốc gia được khảo sát đã đạt được sự bình đẳng gần như hoàn toàn.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác sẽ mất nhiều thời gian hơn. Mức độ và cơ hội tham gia kinh tế của phụ nữ đã suy giảm trong năm nay và thế giới sẽ cần thêm 257 năm nữa để đạt được điều đó. Trung bình, chỉ hơn một nửa số phụ nữ trưởng thành tham gia thị trường lao động, so với 78% ở nam giới.

Khoảng trống về giới trong vấn đề chính trị cũng ngày càng trầm trọng khi không có quốc gia nào đủ sức thu hẹp hoàn toàn khoảng cách này và trên toàn cầu, sẽ mất khoảng 95 năm để đạt được sự bình đẳng.

Tính toán 4 lĩnh vực với nhau, trên khắp các quốc gia có nhiều thái độ đối với bình đẳng giới, báo cáo dự báo sẽ mất 99,5 năm để đạt được bình đẳng giới ở mọi nơi.

Bình đẳng giới tại châu Á ở mức thấp

Theo báo cáo, khu vực Tây Âu có khoảng cách giới nhỏ nhất, tiếp theo là Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Caribbean, Đông Âu và Trung Á. Các khu vực kém hơn là Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi.

Tốc độ phát triển của một quốc gia không nhất thiết tương đương với thứ hạng cao về bình đẳng giới, đặc biệt là ở Đông Á, nơi Nhật Bản xếp hạng 144 trong số 153 quốc gia, còn Hàn Quốc là 127 và Trung Quốc là 106.

Mặc dù các quốc gia này đạt điểm cao trong các lĩnh vực như trình độ học vấn, nhưng khoảng trống trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị lại rất lớn.

Ví dụ, phụ nữ ở Nhật Bản dành thời gian gấp 4 lần so với đàn ông để làm công việc nội trợ. Điều này khiến phụ nữ nước này đánh mất thời gian và các nguồn lực để tham gia vào lực lượng lao động hoặc chính trị.

"Không có quốc gia nào trên thế giới mà số thời gian nam giới dành để làm việc nội trợ cân bằng với nữ giới", các nhà nghiên cứu đề nghị khu vực châu Á thực hiện các chính sách trao quyền cho phụ nữ, như dịch vụ chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc hoặc nam giới được nghỉ thai sản cùng vợ để chăm sóc gia đình.

Bình đẳng giới cũng là một chủ đề nóng ở Hàn Quốc trong những năm gần đây khi hàng chục nghìn phụ nữ đã tham gia các cuộc biểu tình vào năm 2018 và 2019 nhằm phản đối hành vi quay lén nơi công cộng. 

Trong khi đó, khoảng cách giới về kinh tế vẫn đặc biệt sâu sắc ở các quốc gia Nam Á như Ấn Độ. Chỉ có khoảng 25% phụ nữ nước này tham gia lực lượng lao động, so với 82% ở nam giới, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới. Ngay cả khi họ làm việc, thu nhập ước tính của họ chỉ bằng 1/5 thu nhập của nam giới.

Những lỗ hổng trong công việc và khả năng chi trả xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, cả về thể chế và xã hội. Theo báo cáo, không có đủ cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và các nguồn lực đầu tư vào sự bình đẳng và vẫn còn các chuẩn mực văn hóa và niềm tin mạnh mẽ áp đặt vai trò thứ yếu của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội.

Theo CNN
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.