Hàng loạt điểm thu gom quay lưng với pin cũ
Thời gian gần đây, nhiều người dân tại Hà Nội đã than phiền về tình trạng ùn ứ pin cũ, đặc biệt là các loại pin tiểu (AA,AAA…) tại gia đình, mà chưa biết xử lý thế nào.
Chị Vũ Tường Vy (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) kể, 2 năm qua, gia đình chị đã tích được khoảng 10kg pin cũ. Đến lúc chuyển nhà, chị cần cho đi bọc pin để đồ đạc bớt lỉnh kỉnh, nhưng tất cả các điểm từng nhận gom pin cũ đều từ chối.
“Thật sự sốc khi đùng một cái, tất cả các điểm đều ngừng nhận, dù trước đó không lâu họ vẫn kêu gọi người dân mang pin cũ tới nộp hoặc đổi lấy quà.”
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Cảnh Dương (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) cũng đang loay hoay với hai thùng pin cũ không nơi nào nhận.
“Có người hỏi sao không vứt đi cho đỡ chật nhà. Nhưng 1 viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước và 1 mét khối đất trong 50 năm, vậy hai thùng pin nhà mình sẽ gây ô nhiễm tới mức nào nếu thải ra môi trường?”
Lượng pin cũ khá lớn được tích trữ bởi một số hộ gia đình. Khi không thể tích thêm pin nữa, họ sẽ buộc phải vứt chung với rác thải sinh hoạt, nếu vẫn không có nhà sản xuất nào đứng ra nhận thu gom. (Ảnh: Facebook) |
Mọi việc bắt đầu từ ngày 31/10/2021, khi Việt Nam Tái chế (VNTC) - chương trình hoạt động tích cực nhất trong việc nhận thu hồi, xử lý và tái chế rác thải điện tử (RTĐT, thông báo ngừng nhận các loại pin và ắc-quy chì. Sau đó, các tổ chức, hội nhóm bảo vệ môi trường khác như Green Life, Tắt đèn Bật ý tưởng,... và một số nơi như hệ thống siêu thị VinMart, Công ty Hanel Trading, … cũng đồng loạt từ chối nhận pin cũ.
VNTC giải thích rằng, việc loại pin ra khỏi danh mục thu gom là để phù hợp với Điều 54, 55 tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các tổ chức, chương trình bảo vệ môi trường khác cũng nêu lý do tương tự cho động thái ngừng thu gom pin cũ.
Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.
Danh mục thu gom mới được VNTC công bố trên trang chủ. Theo cập nhật mới nhất, VNTC sẽ không nhận tất cả các loại pin (trừ pin của laptop & điện thoại), chứ không chỉ riêng pin tiểu. (Ảnh: Việt Nam Tái chế) |
Nhà sản xuất, nhập khẩu vẫn im lặng
Trách nhiệm phải thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng của nhà sản xuất, nhập khẩu pin đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, tức 17 năm trước. Nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà sản xuất, nhập khẩu nào ra thông báo chính thức rằng sẽ thường xuyên nhận lại pin cũ từ cộng đồng.
Theo tổ chức bảo vệ môi trường Green Life, hiện Công ty cổ phần Pin Hà Nội – Habaco mới là đơn vị duy nhất nhận thu gom pin cũ thường xuyên tại trụ sở công ty (chỉ thu các loại pin Con thỏ). Thế nhưng, vị trí của Habaco (thị trấn Văn Điển, Thanh Trì) lại nằm khá xa trung tâm thành phố - nơi có lượng pin thải lớn, không thuận lợi cho phần lớn người muốn đi nộp pin cũ.
Ở Hội thảo trực tuyến “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử” được tổ chức ngày 15/10/2021, PGS.TS Nguyễn Đức Quảng – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm 2020, người Việt Nam thải ra gần 263.000 tấn RTĐT. Số rác thải này tương đương với trọng lượng của hơn 1.500 chiếc máy bay Boeing 747. Trong khi đó, cả nước hiện có khoảng 30 công ty được cấp phép xử lý RTĐT với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày, nhưng phần lớn chỉ tập trung tháo dỡ, theo PGS Quảng. Có thể thấy, lượng RTĐT chưa được tái chế, xử lý đúng cách (bao gồm cả pin) là khá lớn.
Hơn nữa, theo nghiên cứu “Thực trạng và chính sách phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện tử” của các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), RTĐT tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thu gom bởi “lực lượng” đồng nát, cơ sở ve chai/phế liệu hoặc cửa hàng sửa chữa & mua bán đồ điện tử.
Vì vậy, rất cần sự tham gia nhiệt tình hơn của các nhà sản xuất, nhập khẩu để giảm thiểu tác hại của RTĐT nói chung và pin nói riêng tới môi trường.
Theo Quyết định số 491/2018/ QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/5/2018, đến năm 2025, 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.
Theo chị Mai Thị Thu Hằng, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Reverse Logistics Việt Nam, Đại diện quản lý chương trình VNTC, các doanh nghiệp có thể đặt những điểm thu gom pin cũ tại trường học và khu dân cư, thay vì chỉ nhận pin tại trụ sở. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có thể dùng khoản đóng góp tài chính bắt buộc của các nhà sản xuất & nhập khẩu để thành lập một chương trình thu gom, xử lý RTĐT do nhà nước quản lý.
“Nếu các nhà sản xuất & nhập khẩu cùng tham gia thu gom và xử lý pin, thì VNTC sẵn sàng đồng hành với họ.”
|
Không thể thiếu sự góp sức của cộng đồng
Mọi nỗ lực bảo vệ môi trường đều không thể thiếu sự đóng góp của cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên Ban quản trị của Green Life nhận xét, lượng pin được thu gom vẫn rất khiêm tốn so với số bị thải ra môi trường, hoặc được xử lý không đúng cách. Phần do người dân chưa nhận thức được sự độc hại của pin, phần do hiểu rõ nhưng không biết nộp cho nơi nào - đặc biệt là thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, nhiều người ưu tiên bán đồ điện tử cũ cho “lực lượng” đồng nát hơn. Số RTĐT đó sẽ được bán lại cho các làng nghề tái chế phế liệu. Vấn đề ở chỗ, những nơi này chỉ tháo dỡ để lấy nhựa, nhôm, đồng… Phần còn lại sẽ đem đốt hoặc bỏ ra bãi rác - theo chia sẻ của một số “nghệ nhân” tại làng tái chế Đông Mẫu (Vĩnh Phúc). Do đó, các chất độc trong pin và ắc quy vẫn bị rò rỉ ra môi trường.
Từ năm 2015 - 2016, nhiều tờ báo lớn đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm chì nặng nề tại làng Đông Mai (Hưng Yên), nơi chuyên phá dỡ ắc quy và tái chế chì. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy có tới 65,3% trẻ em tại làng bị ngộ độc chì, trong đó 10% cần phải được điều trị khẩn cấp.
Dù vậy, vẫn có một vài tín hiệu khả quan từ cộng đồng. Chị Hằng chia sẻ, sau khi VNTC ngừng nhận pin cũ, rất nhiều người đã nhắn tin và gọi điện cho chương trình để hỏi về các điểm thu gom còn hoạt động. Trong các group lớn về bảo vệ môi trường trên Facebook như Ý tưởng tái chế - Tái sử dụng, Tôn trọng Trái Đất - Respect Our Planet,... nhiều người cũng đăng bài hỏi về chủ đề tương tự. Điều này chứng tỏ, ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc thu gom và xử lý pin đúng cách.
Về cơ bản, việc quy toàn bộ trách nhiệm thu hồi, xử lý và tái chế sản phẩm cho các nhà sản xuất, nhập khẩu là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ khi họ nhiệt tình tham gia và nhận thức của cộng đồng về tác hại của pin cũ được nâng cao, thì quy định trên mới thực sự phát huy được hiệu quả.