Giấy phép con đẻ phí ngoài luồng?
Phản ảnh với Ngày Nay, các doanh nghiệp XKLĐ cho rằng các công văn với các nội dung yêu cầu họ thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định có thể coi như là một “giấp phép con”. Thông thường, mỗi kiểu công văn - “giấy phép con” như vậy còn kèm theo những thủ tục hành chính để các DN tuân thủ. Hiện ở Cục quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) vẫn đang áp dụng hàng chục kiểu “công văn” loại này. Chính nhờ những văn bản này mà Cục QLLĐNN đã được các DN “kính nể” là một trong những Cục “siêu quyền lực” của Bộ LĐTBXH.
Có thể kể một số văn bản trong hàng chục văn bản kiểu này như : Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 và công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/4/2016 thay thế 4732/LĐTBXH-QLLĐNN là một dạng “Giấy phép con”. Bởi thực chất trong đó Cục QLLĐNN đòi hỏi các DN muốn XKLĐ phải đạt đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, bộ máy tương tự lần cấp giấy phép XKLĐ và ngoài ra còn thêm điều kiện về trình độ tiếng Nhật của cán bộ.
Hay tương tự, các công văn số 2176/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 09/6/2015 và công văn số 1538/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 09/5/2016 cho DN đưa lao động sang Đài Loan. Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất và bộ máy giống như lần cấp giấy phép XKLĐ lại có thêm điều kiện cán bộ chuyên trách thị trường Đài Loan phải thông thạo tiếng Trung, DN không bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 năm gần đây.
Thậm chí trong công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN còn đưa ra quy định nếu DN không nộp báo cáo theo yêu cầu đúng thời hạn thì sẽ bị dừng phép đưa lao động đi nước ngoài. Và thực tế Cục QLLĐNN đã ban hành Công văn 113 ngày 26/1/2017 để dừng không thời hạn việc đưa lao động đi nước ngoài của 35 DN do họ không nộp báo cáo đúng hạn như công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN quy định. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Bạch Đằng (BIMEXCO) là một trong số các nạn nhân kể trên dù họ không bị xử phạt hành chính hay phạt bổ sung theo NĐ95/2013-NĐ-CP. Điều trớ trêu là BIMEXCO đã gửi Báo cáo nhưng Cục QLLĐNN lại bảo không nhận được và họ đã gửi lại. Nhưng hơn 3 tháng sau Công ty mới được chấp thuận lại giấy phép vì sự cố này. Sự việc đó đã gây thiệt hại lớn cho Công ty cũng như người lao động.
Còn một dạng “Giấy phép con” nữa cũng do Cục này cấp cho thị trường Đài Loan. Dù DN đã có đủ giấy phép con đưa lao động đi Đài Loan và giấy phép con theo từng hợp đồng thì họ vẫn chưa thể đưa lao động đi được. Lý do là phải chờ Cục đóng dấu xác nhận vào danh sách lao động dự kiến xuất cảnh kèm theo mức phí DN đã thu của từng lao động. Mỗi chuyến bay cần một lần xác nhận như vậy…
Đến tận bây giờ mà Cục QLLĐNN vẫn còn quản lý theo cung cách như vậy? Thử hỏi cách làm đó có ngược với Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP… của Chính phủ nhằm tạo thông thoáng tối đa cho DN; giảm công sức, chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đặc biệt là giảm thiểu tiêu cực, chi phí “gầm bàn” hay không?
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đoạ Cục QLLĐNN phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp song Cục này vẫn hành DN khiến DN phải đội đơn tố cáo. |
Bộ LĐTBXH đã biết sao chưa xử lý triệt để?
Việc Cục QLLĐNN phải đặt ra nhiều kiểu “giấy phép con” như vậy không phải mới nhưng cách hành xử của họ đã làm một số DN phải đứng đơn kêu cứu khắp nơi. Mỗi loại “giấy phép con” của Cục là kèm một loạt thủ tục hành chính. Thủ tục Cục xác nhận danh sách lao động xuất cảnh kèm theo mức phí DN đã thu của từng lao động vừa mất thời gian vừa gây phiền hà cho doanh nghiệp mà lại không hiệu quả.
Cũng từ các kiểu “giấy phép con” đó Cục QLLĐNN mới đặt ra các thủ tục hành chính để thực hiện như thủ tục tổ chức đi kiểm tra DN, phỏng vấn từng người lao động…do không ấn định thời gian phải tổ chức kiểm tra nên DN thường rất bị động, phải chờ đợi nhiều khi lỡ cơ hội… Thực tế đã chỉ rõ đây chỉ là những thủ tục nhằm phát sinh tiêu cực và người ta nghĩ ra việc này chỉ cần có vậy.
Ông Lưu Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ – TB – XH đã gọi những hành động này nhằm “triệt hạ doanh nghiệp”.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thương mại và tư vấn giáo dục Hoàng Phát bức xúc cho biết : “DN vất vả, khổ vì thủ tục này đã đành mà còn kéo theo cả người lao động khi gọi họ về Cục QLLĐNN để kiểm tra…, chi phí lại tăng thêm từ đó, mà đã kiểm tra thì phải mất phí…”
Và đó cũng chính là cách giải thích tại sao có những DN bị Thanh, Kiểm tra liên tục, có tháng đến 3 lần, cả năm đến 10-12 lần năm.
Được biết, tại Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người đi làm việc nước ngoài diễn ra ngày 8/3/2017 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã kết luận , Cục QLLĐNN phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp một cách thông thoáng nhất, nhưng phải trên cơ sở của pháp luật; Những thủ tục hành chính, văn bản rườm rà của Cục và các đơn vị sẽ được bãi bỏ.
Đáng tiếc, Bộ chỉ đạo nhưng dường như Cục QLLĐNN “bất tuân”. Sau Hội nghị nói trên, nhiều DN vẫn phải đội đơn đi kêu cứu, mà điển hình là tại VIHATICO.
Liên quan tới sự vụ VIHATICO tố đích danh lãnh đạo Cục QLLĐNN và chỉ ra có “lợi ích nhóm” tại đơn vị này, được biết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nắm được sự việc biết và giao cho một Thứ trưởng không phụ trách Cục QLLĐNN trực tiếp chỉ đạo Cục giải quyết.
Với tinh thần kiên quyết, nghiêm minh này, dư luận trông chờ Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ xử lý dứt điểm những lình xình, kiện cáo liên quan tới công tác quản lý, điều hành của Cục QLLĐNN theo đúng tinh thần kiến tạo, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp.