- Phóng viên: Để được Chính phủ đồng ý về chủ trương lập thí điểm thực hiện đề án, Quảng Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương lập thí điểm thực hiện đề án, Quảng Nam đã có ít nhất 4 sự chuẩn bị quan trọng.
Thứ nhất, với mục tiêu bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, năm 2018 UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng và UBND tỉnh đã quyết định ban hành Kế hoạch hành động Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |
Thứ hai, Quảng Nam được đánh giá rất có tiềm năng về khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Cụ thể, có 11,2 triệu tín chỉ carbon rừng từ REDD+ được xác minh và phát hành từ năm 2018 đến năm 2030, trong đó: giai đoạn 2018-2020: 1,2 triệu tín chỉ; giai đoạn 2021-2025: 4,0 triệu tín chỉ; 2026-2030: 6,0 triệu tín chỉ.
Thứ ba, bộ hồ sơ Dự án tín chỉ carbon rừng từ REDD+ theo tiêu chuẩn VCS (tiêu chuẩn carbon được xác minh) và phù hợp với quy định của Việt Nam đã được Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ xây dựng, doUBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và 1 tổ chức quốc tế phê chuẩn
Thứ tư, là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Luật Lâm nghiệp (Kinh doanh tín chỉ carbon rừng là giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài, theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 (NRAP)); và Điều 61 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Đồng thời sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của hiệp định toàn cầu về Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD +).
Tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ loại 6 dự án thủy điện điện gây tổn thương rừng. |
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ thêm lộ trình và mục tiêu của đề án?
Ông Hồ Quang Bửu: Đề án hướng đến mục tiêu góp phần tạo nguồn tài chính xã hội hóa cho quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 683.034ha rừng của tỉnh Quảng Nam.
Về mặt lộ trình, chúng tôi sẽ xây dựng bộ hồ sơ Dự án tín chỉ carbon rừng từ REDD+ (đã hoàn thành và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); sau khi Dự án được phê duyêt sẽ lựa chọn, đàm phán và ký hợp đồng bán tín chỉ carbon rừng từ REDD+ với nhà đầu tư nước ngoài; phê chuẩn hồ sơ Dự án tín chỉ carbon rừng từ REDD+ theo tiêu chuẩn VCS và đăng ký lên hệ thống đăng kiểm của Tổ chức tiêu chuẩn carbon VERRA dành cho thị trường carbon tự nguyện; xác minh và phát hành tín chỉ carbon từ giai đoạn 2018 -2025;
Triển khai bán tín chỉ carbon giai đoạn 2018-2025 và giám sát; tổng kết giai đoạn thí điểm và triển khai bán tín chỉ carbon từ 2026 trở đi và giám sát; quản lý và chi trả tiền thu từ bán tín chỉ carbon rừng từ REDD+; thực hiện các hoạt động REDD+ theo Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh.
Voọc tại một khu rừng ở Quảng Nam. |
- Phóng viên: Được biết, giai đoạn 2005-2016, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ có hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn, phục hồi các cánh rừng,… Đây có phải là một trong những tiền để giúp Quảng Nam tự tin xin thực hiện đề án, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Dự án Trường Sơn Xanh được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương từ tháng 11/2017 và UBND tỉnh phê duyệt thực hiện vào tháng 3/2018, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ.
Đây là dự án trọng điểm về môi trường của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại khu vực Trung Trường Sơn với tổng vốn tài trợ 14 triệu đô-la Mỹ, được triển khai từ năm 2016-2020 với mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ tỉnh Quảng Nam chuyển đổi áp dụng các phương thức sử dụng đất nông, lâm nghiệp thông minh đối với khí hậu, giảm phát thải và tăng cường khả năng phục hồi nhằm bảo vệ con người, cảnh quan rừng và đa dạng sinh học, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh.
Hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2030 và hồ sơ đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+ là một trong những hoạt động của dự án.
Theo đó, kế hoạch đã xác định được 118.581ha rừng thực hiện các hoạt động REDD+ chống mất rừng và suy thoái rừng; trồng rừng, phục hồi và làm giàu rừng; quản lý rừng bền vững, đó cũng là địa điểm thực hiện giảm phát thải, tăng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng cho kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Kế hoạch hành động này đã đáp ứng các yêu cầu khi xây dựng và thực hiện các dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+.
Bên cạnh đó, Dự án Trường Sơn Xanh cũng đã hỗ trợ nhiều nội dung khác như: Hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng, trong đó xác định diện mất rừng rủi ro cao; thuê chuyên gia tư vấn và hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh xây dựng tài liệu dự án và trình UBND tỉnh thông qua; tìm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+ tại tỉnh Quảng Nam.
Tán rừng pơ mu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. |
Vì vậy, có thể nói Dự án Trường Sơn Xanh góp phần tạo tiền đề để xây dựng và triển khai kinh doanh tín chỉ carbon tại Quảng Nam là có cơ sở
Ngoài Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều dự án đã và đang được hỗ trợ kỹ thuật và năng cao năng lực như: Dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Dự án KfW10 bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng, Dự án Quỹ Khí hậu xanh của UNDP, Quỹ Quốc tế về thiên nhiên (WWF).
Các chương trình dự án giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ của tỉnh, một bộ phận lớn chủ rừng; nhiều nền tảng kỹ thuật liên quan đến REDD+, tín chỉ carbon rừng đã được giới thiệu, triển khai và bước đầu áp dụng. Đây cũng là cơ sở quan trọng ban đầu để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, đàm phán, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Rừng pơ mu ở Tây Giang đang góp phần quan trọng gìn giữ mảng xanh cho rừng núi Quảng Nam. |
- Phóng viên: Thực tế cho thấy rừng Quảng Nam có những khu vực vẫn còn giữ được sự nguyên sinh, nhưng cũng có những khu vực đã bị xâm hại, bị cảnh báo sẽ mất rừng. Vậy ông có thể nói sơ lược phương án thực hiện đề án theo thực trạng rừng của những vùng trên?
Ông Hồ Quang Bửu: Đúng vậy, rừng Quảng Nam có những khu vực vẫn còn giữ được sự nguyên sinh. Quảng Nam đã chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn Quốc gia để bảo tồn sự đa dạng sinh học phong phú của nó. Diện tích hơn 76.000ha, trong đó hơn 58.000ha là rừng nguyên sinh nhiệt đới, thường xanh ở các huyện Nam Giang và Phước Sơn.
Khu vực này là một trong những kho dự trữ carbon lớn nhất của khu vực và là nơi sinh sống của 831 loài động thực vật, bao gồm cả voọc chà vá chân xám đang bị đe dọa cực kỳ nguy cấp và voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng; và phải kể đến là có tới 19.000ha sinh cảnh quan trọng ở huyện Nông Sơn cũng được thành khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi và hơn 15.000ha tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la (Tây Giang, Đông Giang)…
Quảng Nam cũng như các tỉnh khác trên cả nước, thời gian trước đây, do nhiều nguyên nhân, tài nguyên rừng rừng bị xâm hại, làm suy giảm cả về diện tích và chất lượng rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, phát triển rừng còn rất hạn chế do thiếu nguồn lực. Khi xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh, thực trạng này đã được các chuyên gia mô tả, đánh giá rất cụ thể, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan tại từng khu vực, từng trạng thái rừng; qua đó, đề xuất những giải pháp, gói can thiệp phù hợp.
Cụ thể, xác định 35.646ha rừng tự nhiên trong khu vực rủi ro mất rừng cao và rất cao được bảo vệ nhờ các giải pháp chống mất rừng, suy thoái rừng để làm giảm diện tích rừng tự nhiên bị mất xuống còn 65% so với diện tích rừng bị mất trong giai đoạn 2011-2020 và diện tích bị mất rừng dự kiến ở mức 35% tương đương với 9.522ha.
Có 50.864ha thực hiện trồng rừng, phục hồi rừng và làm giàu rừng, gồm 25.718ha được thực hiện các biện pháp lâm sinh như trồng rừng gỗ lớn; 6.000ha làm giàu rừng; 19.146ha rừng được khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên;
Ngoài ra, còn có 12.877ha thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Hồi phục những cánh rừng cũng đang được tỉnh Quảng Nam quan tâm. |
- Phóng viên: Các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên từng chỉ ra rằng, việc kêu gọi các nhà đầu tư trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My đã ít nhiều ảnh hưởng suy thoái rừng do làm phương hại để tầng dưới tán rừng. Như vậy, việc thực hiện đề án này vừa là dịp để tỉnh Quảng Nam kịp “sửa sai”, cũng là cơ hội để tỉnh tăng nguồn thu về dịch vụ môi trường rừng, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Với ¾ diện tích tự nhiên là đồi núi, gần 466.300ha rừng tự nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, các loài dược liệu dưới tán rừng để vừa kết hợp bảo vệ rừng vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, góp phần phát triển kinh tế vùng Tây là chủ trương của tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua và trong thời gian tới.
Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu đặc hữu, quý, hiếm, được biết đến từ lâu đời dưới tán rừng tự nhiên tại vùng núi cao Ngọc Linh của Quảng Nam và Kon Tum; phân bố ở độ cao 1.200-2.100m là loài cây mang lại giá trị kinh tế cao; hiện nay nhiều tổ chức đã thuê môi trường rừng, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã trồng và đầu tư phát triển chuỗi giá trị từ sản phẩm Sâm Ngọc Linh.
Sở NN&PTNT đã ban hành Quy định Tạm thời về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại Quyết định số 333/QĐ-SNNPTNT ngày 29/6/2021; theo đó, tất cả quy trình từ đánh giá hiện trạng, xác định khu vực trồng, làm đất, chọn giống, mùa vụ, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch đều được quy đinh cụ thể, có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ; yêu cầu nghiêm ngặt về hạn chế tác động bất lợi đến môi trường rừng, chỉ tác động cục bộ khi trồng, đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên trạng hiện trạng rừng, thảm thực vật dưới tán để tạo điều kiện cho cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt và cho sản lượng cao.
Trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như bảo vệ rừng. |
Hơn nữa, trong quá trình triển khai trồng sâm của các tổ chức và hộ gia đình đã được chủ rừng, cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình trồng và phục hồi nguyên trạng thực bì,... tránh tác động mạnh đến thảm thực vật dưới tán. Nghĩa là cần phải bảo vệ, phục hồi rừng để trồng sâm, mà trồng sâm cũng là để bảo vệ, phục hồi rừng; đồng thời phải tái sinh rừng và chăm rừng non để thành rừng già.
Trồng, phát triển Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng sẽ làm đa dạng thảm thực vật, bảo vệ đất, hấp thụ cua mạch nước ngầm; đồng thời, bảo tồn nguồn gen bản địa quý hiếm phục vụ cho phát triển ngành nông lâm nghiệp của tỉnh, góp phần đáng kể vào nguồn thu của địa phương từ sản xuất kinh doanh cây Sâm Ngọc Linh.
Vì vậy, chủ trương trồng Sâm Ngọc Linh cũng như các loài lâm sản ngoài gỗ khác dưới tán rừng cũng như thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+ là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế về phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Nam, xu thế toàn cầu.
Ngoài ra, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng là một trong sáu loại dịch vụ môi trường rừng đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, kinh doanh tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn thu để tái đầu tư cho lâm nghiệp, giảm chi phí từ ngân sách và thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.
Xin cảm ơn ông!