Sau khi nghĩ ngợi, tôi đã hồi đáp rất thật với anh ấy, rằng tôi không giàu. Rằng tôi vẫn đang phải ở nhà thuê. Rằng tôi vẫn chạy ăn từng bữa, để nuôi 2 cái miệng đang tuổi ăn tuổi lớn. Rằng, tiền với tôi bây giờ khá quan trọng. Rằng cơm áo không đùa với khách thơ. Nhưng không vì thế mà “khách thơ” không thể tư duy về “tỉnh thức”.
Tỉnh thức ở đây, theo tôi không phải là đoạn tuyệt với tiền, mà là nghĩ về tiền một cách hợp lý, tương đối, và luôn ý thức được năng lượng của dòng tiền chảy vào tôi. Ví dụ tôi làm thư ký toà soạn một tờ báo, có những bài nếu duyệt đăng, tôi sẽ có tiền. Nhưng tôi tự thấy những đồng tiền ấy không mang lại năng lượng tốt cho tôi. Nếu tôi dùng đồng tiền ấy để mua sữa cho con thì nó cũng không mang lại năng lượng tốt cho con tôi. Thế nên tôi không đăng, không nhận tiền kiểu ấy. Ngược lại, báo trả nhuận bút cao, tôi rất thích. Khi đi nói chuyện, có những trường học tỉnh xa, những trung tâm văn hoá huyện, tôi không bao giờ lấy tiền. Thậm chí có lúc còn tự bỏ tiền đi lại. Nhưng khi nói chuyện với các công ty/doanh nghiệp, tôi vẫn lấy nhuận ngôn bình thường. Thậm chí, bạn trợ lý của tôi vẫn nói mức giá rất rõ ràng. Có sao đâu.
Hôm nọ tôi đọc báo thấy một cựu quan chức khai với cơ quan công an rằng ông đã dùng tiền nhận hối lộ cho con đi du học nước ngoài. Đêm ấy tôi cứ nghĩ mãi: Tiền hối lộ là tiền đen, là năng lượng xấu. Du học/giáo dục là câu chuyện lành mạnh. Vậy dùng một nguồn năng lượng xấu để phục vụ một mục đích lành mạnh thì cái mục đích ấy cuối cùng có thực hiện nổi không? Luôn có những dòng chảy năng lượng vô hình mà chúng ta không nhìn thấy, nhưng bằng một cách nào đó, nó lại luôn tạo ra những tác động hữu hình. Khi sớm, khi muộn. Đời này, đời sau. Tôi chỉ nghĩ vẩn vơ thế thôi, tuyệt đối không dám phán xét.
Tôi đã nghe và học khá nhiều giảng sư. Và khá nhiều giảng sư nói với tôi về việc phải quay vào bên trong, làm chủ tâm, thay vì chạy theo hoàn cảnh. Tôi rất thấm thía điều này, và hoàn toàn đi theo quan điểm này, nhưng khác với một vài giảng sư, tôi lại không tuyệt đối hoá điều này. Với tôi, quay vào bên trong không có nghĩa là khước từ bên ngoài. Bạn rất khó quay vào bên trong nếu chiều nay con bạn đói, vợ bạn đói. Mà khi đói, vợ bạn có thể im lặng, chứ con bạn sẽ khóc. Tay nó sẽ ôm bụng. Lúc ấy làm sao bạn quay vào bên trong để định tâm cho được. Tôi cứ nghĩ mãi về việc đức Phật đã bỏ vợ, bỏ con để đi tu, và tôi thấy một trong những lý do quan trọng để Ngài “dám bỏ” vì ngài hiểu sau lưng tôi vẫn là một kinh thành hoa lệ. Và ở trong kinh thành ấy, chắc chắn vợ con ngài không chết đói! Chứ đi tu mà để vợ con chết đói chết khát thì tu cũng chẳng để làm gì.
Tỉnh thức theo tôi nằm ở chỗ ấy. Ở việc cân bằng một cách tương đối giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Ở việc không ngừng suy nghĩ/quyết định về đường đi và nguồn năng lượng của dòng tiền - cái thứ thiết yếu, tối quan trọng để nuôi sống chúng ta.
Chốt lại, quay vào bên trong, làm chủ tâm không có nghĩa là đoạn tuyệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài!