Phạt vẫn… nhẹ
Không chỉ ở công viên, rạp chiếu phim, những nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… những chiếc khẩu trang chỉ xuất hiện dày đặc khi thông tin ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng dồn dập báo giới. Khi dịch tạm lắng, người dân lại tự cho phép mình bỏ khẩu trang. Và trong rất nhiều ngày, thông điệp “Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang” của Bộ Y tế vô tình bị quên lãng.
Những ngày này, đi qua bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, rất nhiều hành khách vẫn hồn nhiên không đeo khẩu trang dù các biển nội quy dán la liệt, thậm chí loa đài liên tục nhắc các biện pháp phòng tránh dịch.
Một trong những giải pháp để nâng cao ý thức là các nhà xe sẽ từ chối phục vụ nếu hành khách không đeo khẩu trang, nhưng vì lợi nhuận nên đa số nhà xe xuề xòa cho qua. Duy chỉ bến xe buýt công cộng thực hiện nghiêm phương châm không đeo khẩu trang bị từ chối phục vụ nên nét đẹp văn hóa đeo khẩu trang của người dân có phần quy củ hơn. Trên các chuyến xe buýt bon bon vào nội thành, khẩu trang dần trở thành một nét đẹp văn hóa văn minh giữa mùa COVID-19.
Bắt đầu từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP chính thức đi vào cuộc sống. Những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch sẽ bị phạt tiền từ 1 -3 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với đợt đầu.
Đi tiên phong trong việc thực hiện nghiêm túc Nghị định này là TP HCM và Hà Nội. Trong đợt cao điểm đầu tiên, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xử phạt gần 300 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt thành tiền trên 59 triệu đồng.
Tương tự, khi Việt Nam bước vào làn sóng thứ 2 của dịch bệnh với tốc độ lây lan và số lượng cao hơn cả đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất, TP HCM bắt đầu xử phạt người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19. Theo thống kê của Sở Công thương TP HCM, trong đợt đầu xử phạt từ ngày 24 đến 30/8, lực lượng chức năng đã nhắc nhở 1.271 trường hợp không đeo khẩu trang và xử phạt 521 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 140 triệu đồng.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở phòng chống dịch bệnh COVID-19. |
Nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể. Rất nhiều người dân, cho dù đã được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn cố tình phớt lờ.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội có mặt trong Đoàn kiểm tra khu vực Bờ Hồ phản ánh, ở phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, thời điểm kiểm tra đột xuất vào người dân hầu hết đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát của lực lượng chức năng thì lại bỏ ra. “Khi được hỏi ai cũng có lý do là cần nói chuyện, hoặc tháo khẩu trang để ăn uống. Đây là việc cần phải giám sát chặt chẽ hơn nếu không người dân sẽ không thực hiện nghiêm túc”.
Thói quen tốt sẽ thành nét văn hóa đẹp
Mới đây nhất, dù đã khống chế được chuỗi lây nhiễm xuất phát từ bệnh nhân 1342, nhưng các chuyên gia đánh giá đây là một bài học đắt giá về việc cách ly, do đó không được chủ quan mà cần phải siết chặt các điểm cách ly tập trung và cách ly tại nhà, tiếp tục truy vết để không bỏ sót những người tiếp xúc gần với ca bệnh.
Vì thế, việc đeo khẩu trang hàng ngày, những khi đi làm, đi tập thể dục, trong lúc ngồi chờ xe… rất nên duy trì như một thói quen của mỗi người mỗi khi ra khỏi nhà. Ngay cả khi không còn dịch, nguy cơ ô nhiễm bụi mịn, khí thải từ các phương tiện giao thông, tia cực tím… vẫn hiện diện, chiếc khẩu trang không chỉ trở thành một vật phòng bệnh, mà còn bảo vệ sắc đẹp, bảo vệ sức khỏe mỗi người. Khẩu trang giờ cũng được thiết kế bắt mắt, đủ sắc màu, vừa đảm bảo thẩm mỹ nhưng vẫn bảo vệ được làn da của các quý bà, quý cô…, vì sao quên?
Ai cũng biết dịch bệnh không chừa một ai. Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp, chiếc khẩu trang bắt buộc trở thành vật bất ly thân của mỗi người. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng để không chỉ “tiền mất”, khỏi “tật mang”, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người thân và cộng đồng.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 176/2013 quy định chính quyền địa phương có thẩm quyền xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn, công chức, viên chức ngành y tế, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xử lý người không đeo khẩu trang khi ra đường. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là vi phạm: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Với diễn biến dịch COVID-19 khó lường như hiện nay, cần triển khai xử phạt nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.