Cần có cơ chế đặc thù
Đồng tình với việc triển khai Dự án, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, Dự án sẽ tạo thuận lợi cho địa phương.
Về thiết kế hướng tuyến, Chính phủ đề nghị thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN với tốc độ tối đa 120km/giờ. Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vận tốc tối đa cho phép nhằm đảm bảo tính phù hợp, chủ động, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tuyến đường cao tốc định hướng dài hạn đến năm 2050. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 4, 6, 8, 10 làn xe vì giải phóng mặt bằng thực hiện một lần cho cả dự án, cần chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc…
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ, mức độ tác động lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp chủ động; cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng trong dự án tái định cư là hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 vụ với số hộ bị ảnh hưởng gần 15.000 hộ, số hộ tái định cư gần 12.000 hộ để có cân đối phù hợp.
Nhìn từ thực tiễn, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng luôn làm ảnh hưởng đến dự án, là nguyên nhân chính dẫn đến sự kéo dài của một số dự án; một số nơi không tạo được sự đồng lòng của người dân. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là tuyến đường chiến lược; vì vậy Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù để phục hồi, phát triển kinh tế như: chỉ định thầu, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công. Như vậy mới sớm hoàn thành 5.000 km đường cao tốc theo quy hoạch. Nếu không có cơ chế đặc thù thì phải làm nhanh thủ tục trong năm 2022, giải phóng mặt bằng đến đâu, làm đến đó; như vậy mới bảo đảm tiến độ.
Tránh thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để triển khai thành công và sớm hoàn thành theo Kết luận số 18-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công là có cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ rõ, Tờ trình của Chính phủ đã phân tích, lý giải việc chọn hình thức đầu tư công trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ triển khai thực hiện từ giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với tính cấp bách của dự án trong tổ chức thực hiện, sự cần thiết đầu tư theo hình thức này là đúng. Mặc dù Nhà nước đã dùng ngân sách để đầu tư nhưng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thu hồi vốn bằng cách sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức chuyển nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư. Đại biểu cho rằng, phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nên đầu tư công toàn bộ dự án vì dự án có mức tổng đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên kêu gọi đầu tư PPP trong thời điểm hiện nay sẽ rất khó cho nhà đầu tư. Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian, khó hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. Nếu không kêu gọi thì lại không đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hóa trong kế hoạch đầu tư.
Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần; sau khi hoàn thành nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng có thể làm được dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này. "Tôi đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện, qua đó các bộ, ngành còn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết để triển khai ngay nhưng với điều kiện các dự án này chủ đầu tư chuyển nhượng phải thực hiện thu phí không dừng", đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3, Điều 18 Luật Đầu tư công; đồng thời cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước; khả năng cân đối vốn.
Theo đại biểu, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dự án này. Trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế. Chính phủ cần rà soát kỹ, hoàn tất các thủ tục về cấp phép, khai thác mỏ mới, gia hạn, nâng công suất với các mỏ, quản lý giá vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường, đời sống dân sinh trong quá trình khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng.
Một số đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức PPP để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng./.