Còn nhiều băn khoăn
Ngày 06/4/2016, Luật Dược đã được Quốc hội thông qua và đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược 2016. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Tuy nhiên, nhiều nội dung của Nghị định còn có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có quy định doanh nghiệp dược phẩm có vốn nước ngoài có quyền nhập khẩu nhưng lại không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nêu ý kiến tại tọa đàm |
Thẳng thắn bày tỏ những quan ngại của mình, ông Seck Yee Chung - luật sư công ty luật Baker & McKenzie, đại diện cho tiểu ban pháp lý của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, Nghị định 54 và Dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.
Cũng theo ông Chung, pháp luật Việt Nam không cho phép các văn bản pháp luật được áp dụng hồi tố trừ một số trường hợp đặc biệt được qui định trong Luật ban hành các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo thông tư qui định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi Dự thảo này có hiệu lực. Theo luật sư Chung, qui định này không chỉ trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trái với tinh thần cởi mở của Luật Dược, mà còn không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư và nguyên tắc không hồi tố của Luật ban hành các văn bản pháp luật và Cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.
Luật sư Lê Nết đến từ công ty luật LNT& cộng sự, Dự thảo thông tư còn nhiều bất cập và hạn chế các quyền kinh doanh của doanh nghiệp được qui định trong các văn bản pháp luật khác. Ví dụ, Dự thảo thông tư không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cho thuê hay cho mượn kho bãi. Qui định này trái với Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản cho phép doanh nghiệp được cho thuê hoặc mượn bất động sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng có những qui định làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối thuốc.
Ông Nết đưa ví dụ, qui định việc xuất hàng và giao hàng cho các cơ sở bán buôn thuốc phải được thực hiện tại chính kho bản quản thuốc của đơn vị nhập khẩu. Qui định này trái với Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại cho phép các bên có thể thoả thuận về địa điểm giao hàng. Qui định này cũng sẽ buộc các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn phải đầu tư thêm kho bảo quản và tự vận chuyển thuốc từ kho của cơ sở nhập khẩu về kho của mình, gây thêm những chi phí không cần thiết cho hoạt động phân phối thuốc và gián tiếp làm tăng giá thuốc, trong khi các kho bãi đã được đầu tư xây dựng không được tận dụng.
Theo ý kiến của phần đông doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý, thương mại tham gia buổi Toạ đàm, một số những qui định mới trong lĩnh vực dược phẩm như Nghị định 54/2017/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược và dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 còn có nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và các luật có liên quan, đồng thời có nhiều quy định can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.
Phải tôn trọng quyền tự do kinh doanh
Theo ông Nguyễn Tất Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Nghị định 54 ra đời là kết quả của những nỗ lực và cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo; sự phối hợp và hợp tác của Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đặc biệt là Vụ Pháp Luật, Vụ Khoa giáo Văn xã; Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp dược trong nước, nước ngoài và rất nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan trong toàn bộ quá trình từ khi xây dựng cho đến khi Nghị định được trình ký ban hành. Nghị định xây dựng trên cơ sở quán triệt triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, đơn giản hóa, minh bạch tối đa các thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Góp thêm một ý kiến đóng góp vào bản dự thảo đang chỉnh sửa, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập kinh tế thẳng thắn cho rằng, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam chưa mở cửa dịch vụ phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài, chính vì thế, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chưa được thực hiện các dịch vụ phân phối, tuân thủ đúng cam kết của Việt Nam với WTO.
Bà Nguyễn Thu Trang - đại diện VCCI phát biểu tại tọa đàm |
Nhưng theo bà Trang, nội dung cần chỉnh sửa là Điều 3 của Dự thảo, hướng dẫn chi tiết Khoản 11 Điều 91 của Nghị định 54. Doanh nghiệp phải trực tiếp làm “tất tần tật” mọi việc từ ký kết hợp đồng đến tiếp nhận đơn hang, trực tiếp nhận các khoản thanh toán, ghi nợ tài chính…
“Theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự quyết, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy doanh nghiệp có quyền tự mình thực hiện các hoạt động hoặc ủy thác, thỏa thuận với các chủ thể khác thực hiện các hoạt động của mình, pháp luật không thể can thiệp vào quyền này của doanh nghiệp” – bà Trang nói. Đại diện VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh Dự thảo theo hướng bỏ các quy định bắt buộc về việc “phải trực tiếp” thực hiện các hoạt động liên quan tới phân phối.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài bày tỏ quan điểm: “Cùng với tiến trình hội nhập, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những chuyển biến tiến bộ phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế đất nước và các cam kết, thông lệ quốc tế”. Qua những ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn trong tọa đàm, Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài sẽ làm cơ sở để chính thức gửi kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước xem xét. “Làm sao để các chính sách mới khi được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống phù hợp với mục tiêu và quyết tâm đổi mới của chính phủ” – ông Toàn cho biết.