Ngày 10/2/2012 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyến bay đón 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về đã hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Để thực hiện chuyến bay đặc biệt này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, ban ngành, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh hay đội bay của Vietnam Airlines, thì không thể không nhắc đến những cán bộ nhân viên tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn, những người trực tiếp đón máy bay và công dân trở về từ Vũ Hán.
Chỉ có 2 ngày chuẩn bị
Ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc sân bay Vân Đồn nhớ lại: "Kể từ khi nhận thông tin về chuyến bay, chúng tôi chỉ có hai ngày chuẩn bị".
Theo ông Sáu, hàng loạt cuộc họp lớn nhỏ với các đơn vị liên quan, cơ quan chức năng đã được tổ chức gấp nhằm thống nhất phương án tổ chức quy trình hàng không phù hợp, tránh việc lây nhiễm chéo, xây dựng các kịch bản tình huống có thể xảy ra, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, thuốc men phục vụ khử trùng sân bay.
Ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn |
Nhiều buổi đào tạo ngắn về phương án phòng dịch đã được triển khai cấp tốc cho cán bộ nhân viên sân bay bởi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như sân bay đều xác định phải đặt việc tư vấn tâm lý và đảm bảo tránh lây nhiễm cho những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ như Hải quan, Công an cửa khẩu, nhân viên sân bay, những người phải tiếp xúc trực tiếp với hành khách từ vùng dịch trở về là ưu tiên hàng đầu.
Với tinh thần quyết liệt, chu đáo nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, chỉ sau 2 ngày, tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn và các đơn vị liên quan đã đưa ra phương án tổ chức quy trình hàng không lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Đó là, hành khách được tổ chức kiểm tra y tế và làm thủ tục ngoài trời sau đó đi thẳng lên xe quân sự chờ sẵn để đi đến địa điểm cách ly; Việc vệ sinh máy bay phải được thực hiện sau khi phun xịt tiêu độc khử trùng 3 tiếng; Tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với máy bay và hành khách sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế, trùm kín bằng quần áo bảo hộ, mang kính, khẩu trang N95, mang ủng; Chuẩn bị sẵn sang trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác khử trùng tiêu độc…
Việc thực hiện quy trình hàng không và kiểm tra y tế được đưa ra ngoài trời, thay vì trong nhà ga như bình thường. (Ảnh: V.L) |
“Chúng tôi vừa làm vừa động viên và hướng dẫn để các nhân sự nhận thức được là rủi ro đang ở mức độ rất thấp. Mọi người đều hiểu được rằng đây không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh phải cùng nhau thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng", ông Sáu cho biết.
Không sợ dịch vì đã biết cách phòng tránh
Là một trong hơn 20 cán bộ nhân viên của sân bay Vân Đồn tham gia trực tiếp vào việc đón chuyến bay và 30 hành khách, anh Đặng Đông Giang, nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất, vẫn còn chưa hết xúc động khi kể về nhiệm vụ đặc biệt.
Các nhân sự tham gia trực tiếp đón chuyến bay đều được hướng dẫn mặc trang phục bảo hộ kỹ càng. (Ảnh: V.L) |
Theo anh Giang, khi biết sân bay nhận nhiệm vụ “giải cứu” công dân Việt Nam từ vùng dịch, anh rất hoang mang. Dù từng là quân nhân và cũng đang làm công việc kỹ thuật, nhưng anh chưa từng trải qua nhiệm vụ nào đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn y tế quốc tế an toàn mà lại có nhiều rủi ro về sức khỏe như vậy.
Tuy nhiên, anh động viên những đồng nghiệp trẻ khác, đó là: "Nếu như mình không làm thì ai sẽ làm? Mình không làm thì lấy ai đón đồng bào mình trở về?" Hơn nữa, các trang thiết bị bảo hộ hay kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách cũng được lãnh đạo sân bay và cơ quan y tế hỗ trợ, hướng dẫn kỹ càng nên anh thấy rất yên tâm.
Sau khi hoàn tất công tác đón chuyến bay, mọi trang thiết bị, phương tiện và khu vực đón khách đều được phun xịt khử trùng tiêu độc (Ảnh: V.L) |
Cũng là người tiếp cận hành khách ở vị trí rất gần, khi khách bước từ máy bay xuống thang, anh Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay Vân Đồn, cho biết, ban đầu anh cũng có chút lo lắng nếu như mình hoặc đồng nghiệp mình bị dính bệnh. Tùng không dám chia sẻ với gia đình việc tham gia vào nhiệm vụ đặc thù này, cho tới lúc mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Việc đón chuyến bay này giúp anh trang bị cho mình những kinh nghiệm quý giá khi tham gia vào một khâu trong quy trình đón khách từ tâm dịch. Đơn giản như việc mặc trang phục bảo hộ, làm sao để từng bước phải rất chuẩn xác. Nhất là lúc tháo bộ đồ bảo hộ ra, tưởng đơn giản nhưng đó lại là việc quan trọng nhất để virus không lây nhiễm vào người. Trước đó, anh em trong đội phục vụ đã được Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh (hiện được điều làm GĐ Bệnh viện số 2 điều trị và cách ly bệnh nhân nhiễm virus Covid-19), hướng dẫn chi tiết cách mặc bộ đồ này và trực tiếp kiểm tra đủ điều kiện bảo hộ an toàn mới cho làm việc.
30 hành khách được đưa về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 2 để cách ly 14 ngày theo quy định (Ảnh: V.L) |
Chứng kiến tận mắt chuyến bay hạ cánh an toàn, toàn bộ 30 hành khách, phi hành đoàn và các bác sĩ, điều dưỡng đi cùng đều khỏe mạnh, lên xe quân sự được chuẩn bị sẵn để di chuyển về khu vực cách ly, toàn bộ các thành viên tham gia công tác hậu cần tại sân bay Vân Đồn đều thở phào nhẹ nhõm, cùng với đó là cảm xúc tự hào xen lẫn niềm xúc động.
"Xét cho cùng đây cũng là một mặt trận và tôi là một người lính đang làm nhiệm vụ. Sắp tới đây, nếu sân bay tiếp tục đón thêm các chuyến bay khác đưa đồng bào từ Trung Quốc về, tôi vẫn sẵn sàng tham gia", Đặng Đông Giang chia sẻ.
Còn với người đứng đầu sân bay Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu khẳng định, việc đón chuyến bay từ Vũ Hán là công việc khó khăn đối với sân bay Vân Đồn. Nhưng nếu so sánh mức độ rủi ro với những y bác sỹ đang ở tuyến đầu, làm công tác theo dõi, cách ly, trực tiếp chữa bệnh cho những trường hợp đã bị nhiễm virus thì mọi khó khăn của sân bay chỉ là rất bé nhỏ.
“Tôi tin rằng Thủ tướng chính phủ và Cục Hàng không Việt Nam không ngẫu nhiên chọn Sân bay Vân Đồn là địa điểm đón người Việt Nam về từ vùng dịch. Có thể là vì Vân Đồn là sân bay có vị trí địa lý tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, ngoài ra nơi đây cũng là sân bay mới với trang thiết bị hiện đại, như vậy việc chuẩn bị về con người và trang thiết bị sẽ đạt chuẩn mực tối ưu nhất về mặt an toàn… Nhưng trên hết, chúng tôi luôn sẵn sàng với trọng trách được giao phó và tin tưởng vào quyết sách của Nhà nước và quyết định của Cục Hàng không Việt Nam”, ông Sáu chia sẻ.