Quyết liệt ‘đốt lò’ không vùng cấm

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã quan tâm chỉ đạo toàn diện các mặt công tác phòng chống tham nhũng, chọn những khâu yếu, việc khó để chỉ đạo khắc phục, với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của đồng chí đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương, đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020 sắp diễn ra.

Ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban. Với vai trò của Ban Nội chính Trung ương là Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, xin ông cho biết cụ thể hơn về những kết quả nổi bật trong phòng chống tham nhũng gần 8 năm qua?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hướng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, thể hiện trên những kết quả chủ yếu sau.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt nhiều địa phương, đơn vị, cả đường chức và nghỉ hưu. Công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng, nhất là đã tập trung hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước, các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật; kiên quyết xử lý hình sự cả cán bộ cao cấp, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang sai phạm, với các mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe. phòng ngừa tham nhũng. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng có sự chuyên biến tích cực qua các năm. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực. Đây là điểm sáng, bước đột phá quan trọng trong đấu tranh PCTN, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng PCTN.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và PCTN được đẩy mạnh. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngày càng đồng bộ, nhất là công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong PCTN được phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN. Hợp tác quốc tế về PCTN được tăng cường, đạt kết quả tích cực...

Chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, việc khó

Theo nhiều chuyên gia, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, nhưng công tác phòng chống tham nhũng trong một thời gian dài trước đây gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vậy đâu là những nguyên nhân quan trọng để đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Đạt được những kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua là do: Có chủ trương đúng, quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; có sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong PCTN...

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã trân trọng gọi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là “Người đốt lò vĩ đại”. Ông có thể cho biết thêm về vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo trong công tác PCTN thời gian vừa qua?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Để đạt được kết quả công tác PCTN thời gian qua, có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, gương mẫu, nói đi đôi với làm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo toàn diện các mặt công tác PCTN; chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác PCTN để chỉ đạo khắc phục và đã có những chuyển biến tích cực. Nhất là, đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai nếu vi phạm pháp luật.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, nói đi đôi với làm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, giúp cho công tác PCTN “đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.

Quyết liệt ‘đốt lò’ không vùng cấm ảnh 1
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương.

Chính phủ xác định công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng. Ban Nội chính Trung ương đánh giá như thế nào về những nỗ lực, kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ vừa qua, đặc biệt là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về chống “tham nhũng chính sách”?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh; nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội, PCTN được ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Quốc hội đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa kịp thời, đúng đắn các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn Việt Nam; từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Nhiều đạo luật quan trọng về PCTN hoặc liên quan đến PCTN đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, nhất là, Luật PCTN năm 2018 và Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính”; kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, minh bạch, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Nhiều văn bản quan trọng về PCTN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, như Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 29/11/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc...

Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước

Xin ông cho biết thêm về những giải pháp Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN các chủ trương, giải pháp lớn về lĩnh vực nội chính, PCTN; nhiều văn bản quan trọng của Đảng về nội chính và PCTN đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, như: Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQTW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, nhiệm vụ, giải pháp công tác đấu tranh PCTN nhiệm kỳ 2021 - 2025” phục vụ cho xây dựng Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIII, trên cơ sở đó chắt lọc một số nội dung cốt lõi đề xuất đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng...

Xin ông cho biết cụ thể hơn về những định hướng lớn trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, đặc biệt là về tập trung tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, để công cuộc phòng chống tham nhũng càng được đẩy mạnh, hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ sắp tới?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lấy phòng ngừa là chính.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng và cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, kể cả tham nhũng vặt. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; từ đó nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo Chính phủ
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.