Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất nhằm tạo điều kiện cho những địa phương có cơ hội thuận lợi thì phát triển trước, “không cầu toàn, chỉ điều chỉnh những vấn đề cấp bách, công trình, dự án đang chờ đất” và không thay đổi tổng chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương đến năm 2030.
“Chỉ tiêu sử dụng đất đai không bị giới hạn đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng… theo quy hoạch để kịp thời đón cơ hội đầu tư mở ra cũng như các dự án theo quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được Thủ tướng, cấp thẩm quyền phê duyệt”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát nhu cầu sử dụng đất của các dự án, tính khả thi, cam kết của nhà đầu tư, phân kỳ… cho đến trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 để đề xuất, giải quyết tổng thể nhu cầu sử dụng đất để trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng văn bản trình cấp thẩm quyền ủy quyền các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được phân bổ ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp nhưng vẫn đề xuất điều chỉnh bổ sung. Ngoài một số nhu cầu cấp thiết, việc đề xuất điều chỉnh nói chung của một số loại đất như đất khu công nghiệp, đất giao thông... còn mang tính kỳ vọng, chưa căn cứ vào kết quả thực hiện, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, chuyển dịch đất đai gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn lực, khả năng thu hút đầu tư...
Một số địa phương đã đưa nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nên có đề xuất để đảm bảo đồng bộ nhưng chưa đủ các điều kiện để tổ chức thực hiện tại thời điểm hiện nay.
Một số địa phương chưa làm tốt công tác rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến đề xuất nhu cầu sử dụng đất của địa phương lớn hơn rất nhiều so với thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, gây lãng phí đất, nguồn lực xã hội đầu tư vào đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, hoàn thiện 7 nguyên tắc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giữa các tỉnh đã phân bổ đến năm 2025 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, việc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo vì mục tiêu phát triển chung của quốc gia.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều chỉnh giảm chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp theo đề xuất của địa phương. Địa phương có diện tích đất đã thống kê không đúng mục đích sử dụng, chỉ tiêu đất khu công nghiệp chưa thực hiện và thực hiện dưới 5%, chỉ tiêu đất giao thông chưa thực hiện và thực hiện dưới 5%. Đồng thời, ưu tiên bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương có kết quả thực hiện cao và có đề xuất bổ sung gắn với các công trình, dự án có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện.
Chỉ tiêu đất khu công nghiệp được ưu tiên bổ sung cho các tỉnh có kết quả thực hiện cao, thuộc các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế… có lợi thế về kết cấu hạ tầng, có khả năng thu hút đầu tư.
Các loại đất phát triển hạ tầng tập trung bố trí cho những công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, năng lượng giai đoạn 2021-2025. Dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy hoạch, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, các địa phương đã thống nhất cao, chia sẻ về yêu cầu, phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất số liệu về chỉ tiêu sử dụng đất đai thực tế tại một số địa phương; nghiên cứu phương án tháo gỡ cho những địa phương đã sử dụng hết chỉ tiêu một số loại đất được phân bổ…