Từ lâu, người châu Á đã thường có thói quen uống rượu được ngâm từ các loài động vật như mật gấu, tắc kè, rắn…và mới đây thì rộ lên loại rượu…ngâm chuột “bao tử”. Nhiều người cho rằng uống loại rượu chuột bao tử còn chưa mở mắt này rất tốt cho sức khỏe.
Gần đây, trên nhiều diễn đàn, món “rượu chuột” được đồn thổi là thức uống số 1 giúp nam giới tăng cường sinh lý, thậm chí bồi bổ cả cho các bà mẹ mang thai… dù hương vị chẳng khác gì… xăng thô.
Thực tế các nhà khoa học đã chứng minh chuột bao tử hay các loại bào thai hoặc vật con mới sinh của một số loài vật đều chứa lượng chất đạm rất cao, giàu sinh tố và khoáng chất. Chúng thường được dùng làm thuốc bổ khí, dưỡng huyết, chữa các chứng hư lao, suy nhược, thận hư tinh kém, đau lưng, mỏi gối.
Loại chuột dùng để ngâm rượu phải là loại chuột non, tối đa chỉ là 3 ngày tuổi và tốt nhất là loại chuột mắt vẫn nhắm, được lấy thẳng từ bụng chuột mẹ khi vẫn còn sống, dùng rượu rửa sơ qua rồi cho vào chai rượu gạo để ngâm. Chuột càng ít ngày tuổi thì càng bổ dưỡng. Thời gian ngâm rượu cũng khá dài, sau khoảng 12-14 tháng, rượu mới có thể sử dụng được.
Được biết, mùi vị của loại rượu này khá nồng, được miêu tả gần giống với mùi xăng.
Tuy nhiên uống loại rượu này có thực sự tốt?
Chia sẻ trên báo Phụ nữ TPHCM, TS-BS Phạm Bá Tuyến - Phó giám đốc BV Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho biết, trong Đông y, những sách cổ của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đều ghi rõ, thịt chuột tính ngọt và âm, có tác dụng làm lành vết thương và liền xương gãy.
“Tuy nhiên, việc ăn thịt chuột tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì chúng mang nhiều mầm bệnh như dịch hạch, phó thương hàn, virus Hanta… ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người”, BS Tuyến nhấn mạnh.
Chuột là loại động vật chứa đầy nguy cơ với sức khỏe con người nên việc dùng chuột “bao tử” để bồi bổ là rất vô lý, vì chúng không khác gì nhiều động vật khác nhưng lại không đủ an toàn.
Uống loại rượu ngâm chuột "bao tử" có thực sự tốt?
Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột chủ yếu qua đường nước tiểu và chứa trong gan, nội tạng, nên dù chưa bị nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, chuột vẫn có thể mắc từ chuột mẹ.
Không chỉ phủ nhận tác dụng của chuột “bao tử”, BS Tuyến còn nhấn mạnh, mọi thông tin cho rượu chuột là thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý… đều không có căn cứ.
Báo Phụ nữ TPHCM cũng dẫn lời PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM: “Không có chuyện rượu chuột là bài thuốc đối với những người có nhu cầu bồi bổ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Quảng cáo như vậy là… tầm bậy, nguy hiểm cho sức khỏe con người”.
Trên thực tế nhiều trường hợp bị ngộ độc vì uống rượu ngâm các loại cây cỏ hoặc động vật, như rượu ngâm hoa anh túc (hoa thuốc phiện), rượu rắn…Vì bản thân rượu là đã không tốt cho sức khỏe, lại thêm việc việc kết hợp với độc của các loại cây hay độc của động vật gây ảnh hưởng trầm trọng đến bản thân người sử dụng.
Q.Mai