Vũ điệu của nước
Cơn mưa lớn, xảy ra trên diện rộng sáng 3/10 gây ngập úng nghiêm trọng tại nhiều quận huyện trung tâm ở TPHCM. Trên xa lộ Hà Nội, nhiều đoạn đường bị ngập nặng, đặc biệt là khu vực dưới chân cầu Rạch Chiếc. Theo ghi nhận của Tiền Phong, quận 9 là một trong những địa bàn bị ngập nặng nhất.
Tuyến đường Đỗ Xuân Hợp bị ngập rất nặng, có đoạn ngập sâu gần 1m cho dù tại đây, dự án lắp đặt cống thoát nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 137 tỷ đồng vừa hoàn thành vào đầu năm 2016. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (trung tâm chống ngập), tình trạng ngập trên xa lộ Hà Nội là do hệ thống thoát nước chưa kết nối với dự án đường song hành xa lộ Hà Nội do vướng giải phóng mặt bằng, trong khi đây lại là hướng thoát nước chính.
Tuyến đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) đã thi công hệ thống cống thoát nước từ tháng 5 vừa qua với tổng kinh phí đầu tư hơn 163 tỷ đồng nhưng hiện là một trong những điểm “đen” về ngập úng của TPHCM. Ông Nguyễn Ngọc Công thừa nhận tuy đường đã có cống nhưng cống lại không có cửa xả vì vướng đền bù giải tỏa… một hộ dân suốt nhiều tháng nay chưa giải quyết xong nên khu vực vẫn bị ngập trắng.
Hàng loạt dự án đổ ra hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, như dự án chống ngập đường An Dương Vương (qua địa bàn quận Bình Tân và quận 8) mới làm được 300 m/3.000 m cống thì đụng đường ống cấp nước sạch nên ngưng hơn 6 tháng qua để chờ di dời ống cấp nước. Còn đường Trường Sơn (quận Tân Bình) đã có cống nhưng vẫn ngập nặng vì miệng thu nước kích thước quá nhỏ...
Lại lỗi hệ thống
Trao đổi với Tiền Phong chiều 3/10, GS-TS Lê Huy Bá, (Viện Khoa học Công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM) cho rằng, công tác chống ngập của thành phố đã có nhiều sai lầm ngay từ đầu đã cắt xén, không hệ thống, chắp vá và “đụng đâu đánh đó”, ngập đâu chống đó, dẫn đến tình trạng chống điểm này ngập điểm khác. Ông nói việc chống ngập theo tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, bởi mỗi tuyến đường chia thành hai lưu vực, nâng đường lên thì nhà dân biến thành hầm chứa nước, dân nâng nền nhà lên thì đường ngập.
Đường phố Sài Gòn ngập nặng sau cơn mưa chiều. Ảnh: Huy Thịnh. |
GS Lê Huy Bá cũng cho rằng chiến lược quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước đô thị cũng sai cơ bản và manh mún. “Chúng ta chưa đặt thành phố vào vị thế là một đô thị bán ngập triều. Đô thị nằm trên vùng kênh rạch chằng chịt, mỗi ngày hai lần nước triều ra vào, chênh lệch đỉnh triều và chân triều có khi 2,5-3m. Vì vậy, trong quy hoạch, thiết kế kênh mương, ống thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến 2 lần bình thường.
Vì hệ thống cống, mương, kênh này mang hai chức năng, vừa thoát nước vừa trữ nước. Nếu san lấp, lấn chiếm kênh, rạch, sông ngòi thì tất yếu là thoát ngập rất khó khăn”- GS Bá phân tích. Bên cạnh hệ thống thoát nước được thiết kế từ nhiều năm trước với đường kính nhỏ, việc xóa kênh rạch để gắn cống hộp cũng là một chiến lược sai lầm. Theo ông bên cạnh việc không nâng đường chống ngập, tăng đường kính cống thoát nước và khơi lại các con kênh đã bị san lấp, cần kết hợp các cống bọng, van ngăn triều và xây dựng các hồ điều tiết.
Dẫn chứng các quốc gia có địa thế thấp hơn mặt nước biển nhưng thành công trong các công trình chống ngập, GS Bá cho biết, Hàn Quốc từng lấp một con kênh lớn ở ngay Seoul để làm cống hộp, xây dựng khu đô thị mới rất đẹp nhưng sau đó phải khơi lại dòng kênh. Ở Hà Lan, người ta chia thành ba khu vực ở ba cấp độ rồi bơm nước điều tiết từ khu vực này qua khu vực khác đồng thời có van ngăn triều ở sông.
“Một đoạn đường bị ngập, cho nâng đường là hết ngập, một khu vực ngập làm cống hộp lớn hơn, một công sở ngập cho nâng nền là hết ngập... Nhưng khổ nỗi, nước chẳng đi đâu cả, chỉ chảy từ chỗ này sang chỗ khác. Nâng đường thì hẻm ngập, nâng hẻm thì nhà ngập, nhà nhà nâng nền thì đường lại tái ngập... Đó là một cuộc rượt đuổi không có hồi kết”.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa
Đồng quan điểm, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, chiến lược chống ngập đã sai từ nhiều năm trước. Địa hình TPHCM có nhiều điểm trũng thấp, khi ta chiếm chỗ của nước, thì nước sẽ tràn vào chỗ khác nên nơi này nâng lên thì nơi khác ngập. Đó là, hậu quả của việc phát triển hạ tầng thiếu bền vững, vô tội vạ. “Ở Singapore người ta quy định tỷ lệ dòng chảy tràn trên mỗi một diện tích xây dựng. Như việc họ tính một dự án đó khi mưa xuống thì phần dòng chảy tràn ra khỏi diện tích đất dự án không được vượt quá 50%”, PGS Phi nói.
Lý giải tình trạng ngập nặng mấy ngày qua, lãnh đạo trung tâm chống ngập cho rằng hệ thống thoát nước đã lạc hậu so với thực tế. Đơn cử như trận mưa chiều 26/9 chỉ kéo dài trong 1 giờ 30 phút đã đạt vũ lượng 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 (quy hoạch 752) khiến gần như hệ thống thoát nước của TPHCM tê liệt vì quá tải.
Tuyến cống cấp 3 được thiết kế với tần suất mưa 75,88 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36 mm, trong đó, tuyến cống cấp 2 được thiết kế với tần suất vũ lượng đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70 mm (tức 100 năm chỉ xảy ra 1 trận mưa có vũ lượng 137,70mm trong 1 giờ 30 phút).
Giám đốc một công ty tư vấn về thủy lợi tham gia nhiều công trình chống ngập tại TPHCM cho biết nhiều năm trước đã nhận ra quy hoạch 752 không còn phù hợp. Tuy nhiên, khi lập hồ sơ thiết kế một số dự án và cập nhật các số liệu khảo sát mới nhất thì hồ sơ không phê duyệt vì không tuân thủ quy hoạch 752.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, cách chống ngập hiện nay là đếm số điểm ngập hằng năm và phấn đấu giảm ngập theo từng điểm làm sao từ 100 xuống còn 58, xuống 31... Đây là kiểu chống ngập phù hợp với những thành phố, thị trấn nhỏ, nhưng với một thành phố rộng 2.100 km2, dân số 12 triệu người thì không hiệu quả.