Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trọng tâm kiểm toán là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42; trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết; việc thanh, kiểm tra trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Theo đó, tại Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của toàn hệ thống. Xác định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 trên các mặt như: giải pháp hạn chế nợ xấu; tính công khai, minh bạch trong việc phát mại, bán các khoản nợ và/hoặc tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu để bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan….
Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán việc chỉ đạo, giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết. Đánh giá việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có liên quan trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Một trong những nội dung kiểm toán là đánh giá vi phạm pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (Ảnh minh họa) |
Tại các tổ chức tín dụng và VAMC, hoạt động kiểm toán sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của các đơn vị. Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng,VAMC thông qua việc: xây dựng các phương án và lộ trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 42; chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Riêng VAMC đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo Nghị định 61/2017/NĐ-CP.
Thông qua hoạt động kiểm toán cũng sẽ phân tích, đánh giá thực trạng các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, đặc biệt lưu ý đánh giá vi phạm pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại tổ chức tín dụng, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp xử lý nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 có hiệu quả.
Đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại các tổ chức tín dụng thông quá đó chỉ ra các sai phạm nhằm kiến nghị kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; đánh giá việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 trên cơ sở đó xác định kết quả đạt được, chưa đạt được; những khó khăn, vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện để đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo Đề cương được ban hành, thời kỳ kiểm toán sẽ kéo dài từ 15/8/2017 đến 31/12/2018.
Đơn vị được kiểm toán là Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có kết hợp đối chiếu tại 18 tổ chức tín dụng không có vốn Nhà nước hoặc vốn Nhà nước không chi phối, bao gồm: Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CB Bank); Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP An Bình (ABB); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank); Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank); Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank); Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Đặc biệt, hai ngân hàng có vốn Nhà nước là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng sẽ là những đơn vị được kiểm toán trong chuyên đề lần này.