Đáng chú ý tại cấp sơ thẩm ông Phan Thanh Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương bị kiến nghị làm rõ trách nhiệm việc công ty này liên quan đến sản xuất, mua bán xăng giả.
Trước đó ngày 30/12/2019, Toà án Quân sự Quân khu 7 đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 16 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (gọi tắt là Công ty Lũng Lô), Bộ Quốc Phòng và một số công ty, đơn vị khác. Sau 2 ngày tranh tụng đến tối ngày 31-12, Toà án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 16 bị cáo.
Đáng chú ý tại phiên sơ thẩm, ngoài chịu trách nhiệm về hình sự, 16 bị cáo còn bị Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước lên đến 692 tỉ đồng. HĐXX cho biết số tiền mà các bị cáo thu được từ việc bán xăng giả là hơn 728 tỉ đồng.
HĐXX cũng đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét làm rõ trách nhiệm của ông Phan Thanh Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương (gọi tắt là Công ty Đông Phương) trong việc công ty này liên quan đến sản xuất, mua bán xăng giả.
Ngoài ra HĐXX cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án trong việc tiêu thụ xăng giả; xem xét công tác quản lý, vận hành sử dụng cơ sở vật chất kho xăng dầu liên quan đến vụ án; xem xét công tác quản lý kinh doanh và quản lý chất lượng xăng dầu.
Theo bản cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 luận tội trong phiên xét xử sơ thẩm, Trần Văn Đồng (đại tá, phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Lũng Lô, kiêm Giám đốc chi nhánh Lũng Lô miền Nam) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm giả quyết định của Tổng tham mưu trưởng về việc nâng bậc lương, quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho Lê Quang Hiếu Hùng. Đồng đã ký quyết định bổ nhiệm Hùng giữ chức vụ phụ trách Trưởng Phòng kinh doanh xăng dầu để Hùng đi giao dịch với các đối tác trong, ngoài quân đội. Theo đó, năm 2015, Hùng quen biết Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty Thái Sơn, Phan Trường Sơn.
Nắm bắt thông tin biết nhà máy Công ty Đông Phương được phép sản xuất Naphtha là sản phẩm của dầu mỏ có thể dùng để pha chế xăng nên các đối tượng bàn nhau pha chế xăng giả từ Naphtha để kiếm lời.
Hùng tiếp tục liên hệ Công ty Cổ phần Thương mại và XNK Vật tư Giao thông (gọi tắt là Công ty Vật tư Giao thông) là đầu mối được phép pha chế xăng để làm trung gian mua Naphtha của Công ty Đông Phương rồi bán lại cho các công ty do Hùng giới thiệu.
Bên cạnh đó Hùng bàn bạc, thỏa thuận với Phan Hữu Phúc là thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên thống kê của kho VK 102 Cục Hậu cần Quân Khu 7 về việc pha chế xăng giả bằng cách pha trộn dung môi Naphtha với các loại hóa chất nhằm tăng Ron rồi Hùng chi phần trăm cho Phúc để bán ra thị trường.
Các đối tượng đã pha trộn dung môi Naphtha, Solmix với hóa chất NMA và bột màu tạo thành hơn 50 triệu lít xăng giả Ron 92, Ron 95.
Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả mà các đối tượng sản xuất có giá trị tương đương với hàng thật là hơn 850 tỉ đồng.
Tại cấp sơ thẩm HĐXX Toà án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Đồng: 9 năm tù với hai tội “Giả mạo trong công tác” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả”
Lê Quang Hiếu Hùng, cựu nhân viên quốc phòng, Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng công ty xây dựng Lũng Lô cùng tội danh trên: 12 năm tù
14 bị cáo còn lại nguyên là giám đốc doanh nghiệp, bộ đội với các mức án từ 5 đến 11 năm tù.
Ngày 26/5/2020, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác. Tại Cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất một số nội dung quan trọng, trong đó khẳng định khẩn trương đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm:
1. Xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
2. Xét xử sơ thẩm vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Lũng Lô;
3. Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan;
4. Xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
5. Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng.