Gần đây, các đơn vị thi công Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây đổ gần 1 triệu m3 bùn nhiễm mặn xuống bãi đất trống sát các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cho biết, lượng bùn thải quá lớn làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Những ngày này, việc hút bùn phục vụ thi công đê chắn sóng cảng Chân Mây diễn ra khẩn trương. Nắng nóng, bùn non mới hút bốc mùi hôi nồng nặc.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, trưởng thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết, trong quá trình thực hiện dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây, các nhà thầu đã hút bùn nhiễm mặn từ đáy biển đổ vào đất liền, tập kết tại bãi thải có diện tích 40ha thuộc khu vực lưu thông hàng hóa cảng Chân Mây để xử lý. Gói thầu hút bùn do Công ty Cổ phần Đạt Phương và Công ty xây dựng Lũng Lô thực hiện, khối lượng ước tính hơn 900 nghìn m3 bùn nhiễm mặn. Bùn non tràn ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, trưởng thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc lo lắng: "Ở ngoài biển có hút bùn đưa vào, rồi đổ giữa lòng biển, sau khi các máy hút đưa vào các bãi của dự án. Các lỗ cống bị trôi bùn non nằm trên đi ra giữa sông, khi thủy triều lên nó đưa bùn vào đục quá là không đưa nước vào được, số hồ nuôi tôm vừa rồi thất thu".
Hố thải bùn biển tại cảng Chân Mây |
Khu vực đổ bùn nhiễm mặn nằm dọc các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây. Tại đây, nước bùn được xử lý qua hệ thống bể lắng lọc, rồi đổ trở lại môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, việc đổ bùn tràn lan như hiện nay đã tạo thành nhiều bãi bùn lầy lội, gây ô nhiễm môi trường. Theo người dân, lượng bùn đặc và loãng thải ra tràn lan tại khu vực cầu cảng số 2 và số 3 cảng Chân Mây cũng như tại cửa biển Lạch Giang. Có nơi lớp bùn loãng thải dày đến cả mét. Thời gian gần đây, tôm nuôi của 7 hộ dân ở khu này chết hàng loạt nghi ô nhiễm nguồn nước do túi bùn này.
Ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Sau khi các đơn vị thi công hút bùn vào để san lấp mặt bằng ở khu vực này, lúc đầu nước thải ra môi trường bảo đảm nhưng sau đó đục dần, chính quyền địa phương rất lo ngại ảnh hưởng đến khu vực nuôi trồng thủy sản ở xung quanh khu vực này nên đã yêu cầu các đơn vị thi công dừng thi công và báo cáo lên cấp trên và các đơn vị liên quan để đánh giá lại tác động môi trường xem có ảnh hưởng gì không".
Trước tình trạng này, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành lấy mẫu nước tại khu vực nuôi tôm và vịnh Chân Mây để phân tích, làm rõ nguyên nhân tôm chết hàng loạt.
Lượng bùn biển sẽ lấp đầy trên diện tích khoảng 40 héc ta đất ở gần cảng Chân Mây, khiến người dân lo ngại ô nhiễm môi trường. |
Ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế-công nghiệp tỉnh Thừa Thiến-Huế phân trần: Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 có tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 3 năm. Trước đây, có phương án đổ bùn ra biển nhưng vì “nhạy cảm” nên đơn vị đã quy hoạch bãi thải đổ bùn ở phía đất liền để tận dụng san lấp mặt bằng khu kho bãi ở cảng Chân Mây.
Ông Điểm khẳng định, đến tháng 8/2018, các đơn vị nạo vét sẽ thực hiện xong việc hút bùn: "Sản phẩm bùn đó có nạo vét của móng thân đê và nạo vét luồng, thay vì nhận chìm ra biển thì bây giờ tận dụng để làm mặt bằng kho bãi cảng Chân Mây. Riêng khu đó chúng tôi tận dụng gần 1 triệu m3 bùn sau nạo vét, diện tích mặt bằng khoảng trên 40 héc ta. Chúng tôi đã có hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, trong quá trình làm thì cái bùn này có ảnh hưởng đôi chút, chúng tôi sẽ làm việc lại với chính quyền địa phương nếu người dân có thắc mắc thì sẽ trả lời trực tiếp".
Theo VOV