“Băm” nhỏ đất rừng
Ngày 01/12/2006, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Công ty Sasco) đã ký và thực hiện hợp đồng giao khoán số 01/HĐGK-BQL để quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc với Ban QLRKT Suối Nhung trên diện tích 545ha tại khoảnh 2, 6, 7, 8, 9, 10, 11 tiểu khu 363.
Trong đó, đất có rừng là 481,5ha, đất không rừng là 63,5ha và đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt hợp đồng vào ngày 27/02/2007. Hợp đồng trên được ký kết thì ngày 14/12/2007, Ban QLRKT Suối Nhung đã có tờ trình xin chủ trương xác định trạng thái rừng nghèo kiệt để cải tạo trồng lại rừng kinh tế. Hạt kiểm lâm có quan điểm không đồng ý và đề nghị giữ lại rừng.
Ngày 19/3/2008, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn số 708/UBND-SX chấp thuận cho Ban QLRKT Suối Nhung liên doanh với Công ty Sasco chuyển đổi 105ha để trồng cao su. Công văn nêu rõ, Công ty Sasco đầu tư 100% vốn. Năm 2008, UBND tỉnh Bình Phước điều chỉnh 200ha đất lâm nghiệp giao khoán của Công ty Sasco tại khoảnh 6, 7, 8, 9, 10 tiểu khu 363. Ban QLRKT Suối Nhung giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước để xây dựng căn cứ hậu phương. Vì vậy, diện tích Công ty Sasco quản lý, sử dụng chỉ còn 345a.
Một năm sau, Ban QLRKT Suối Nhung, Công ty Sasco tiếp tục lập các tờ trình gửi các đơn vị chức năng xin đánh giá lại hiện trạng rừng khoanh nuôi bảo vệ của Công ty Sasco để xin cải tạo chuyển đổi trồng cao su với tích 152ha.
Sau khi tiến hành các thủ tục quy định, ngày 20/11/2009, UBND tỉnh đã có quyết định số 3251/QĐ-UBND-SX phê duyệt dự án chuyển đổi rừng trồng 143,2ha cao su, chủ đầu tư là Công ty Sasco đầu tư 100% vốn để thực hiện, hình thức quản lý sử dụng đất là liên doanh, liên kết.
Trước khi chuyển đổi, trong quá trình thực hiện hợp đồng giao khoán 545ha, Công ty Sasco chỉ mới đầu tư trồng 18ha cây cao su từ năm 2008 và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ trên diện tích khoảng 5ha, làm đường nội bộ với tổng giá trị khoảng gần 3 tỷ đồng.
Thực hiện quyết định chuyển đổi của UBND tỉnh, giữa Công ty Sasco và Ban QLRKT Suối Nhung đã ký 2 hợp đồng liên doanh được UBND huyện Đồng Phú phê duyệt. Cụ thể, hợp đồng số 153/TCTCHKMN/DVTSN ngày 02/4/2009 để trồng 105ha cao su và hợp đồng số 044/TCTCHKMN/DVTSN ngày 15/01/2012 để trồng 143,2ha cao su.
Họ đã “chia chác” đất rừng như thế nào?
Thực tế, sau khi có 2 quyết định của UBND tỉnh Bình Phước về việc cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trồng cao su và ký 2 hợp đồng liên doanh nêu trên, Công ty Sasco đã không đầu tư theo thỏa thuận liên doanh với Ban QLRKT Suối Nhung, mà ký hợp đồng liên doanh “ngược” lại với ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung (đã qua đời) để chuyển toàn bộ 2 dự án cho ông Minh trực tiếp đầu tư để hưởng lợi theo thỏa thuận.
Cụ thể, đối với dự án 105ha được “ăn chia” theo tỷ lệ: Ông Trần Tấn Minh hưởng 40% diện tích cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản; Công ty Sasco 60% diện tích vườn cây sinh trưởng tốt nhất, ở vị trí thuận lợi nhất.
Đối với diện tích 143,2ha được “ăn chia” theo tỷ lệ: Ông Trần Tấn Minh hưởng 48,1% diện tích cao su thực tế sau thời kỳ kiến thiết cơ bản; Công ty Sasco hưởng 51.9% diện tích sinh trưởng tốt nhất và vị trí thuận lợi nhất.
Tính đến tháng 5/2012, toàn bộ diện tích 2 dự án trên đã được trồng cây cao su với nhiều hình thức. Đối với dự án 105ha cao su, ông Trần Tấn Minh trực tiếp đầu tư nên đã ký hợp đồng với một số cá nhân để trồng cao su. Đối với dự án 143,2ha, ông Trần Tấn Minh không trực tiếp đầu tư mà đã “sang tay” cho khoảng 13 cá nhân.
Các cá nhân này có cán bộ, công chức và viên chức trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo thông tin Phóng viên Ngày Nay thu thập, cuối năm 2009, các cá nhân trên nhận “sang tay” từ ông Trần Tấn Minh để lấy đất trồng cây cao su trên đất liên doanh của Công ty Sasco dưới hình thức “hợp đồng giao đất trồng cao su” thỏa thuận ăn chia là hưởng 50% diện tích. Các cá nhân đã “trao đổi” tùy theo diện tích với ông Minh để được nhận “hợp đồng giao đất trồng cao su”, có cả sơ đồ và vị trí cụ thể.
Một câu hỏi lớn được đặt ra, Công ty Sasco đã đầu tư vào dự án từ năm 2008 cho đến nay thì vấn đề hạch toán và thu chi có được phản ánh vào hoạt động của công ty không? Rõ ràng, Sasco là đơn vị doanh nghiệp có vốn nhà nước thì việc theo dõi, báo cáo thực hiện dự án trồng cao su tại tỉnh Bình Phước phải càng thể hiện sự rõ ràng, minh bạch trong báo cáo tài chính.
Bài cuối: Dự án trồng cây sao su nay về đâu?