Hiện chưa có văn bản nào quy định phải phân loại sách
Cục trưởng Cục Xuất bản, ông Chu Văn Hòa cho biết: “Hiện ở Việt Nam, chưa có văn bản, thông tư… nào hướng dẫn hoặc yêu cầu nhà xuất bản phải dán nhãn R, 18+ hay cảnh báo “sách dành cho người lớn”. Tất cả những dòng phân loại trên bìa một, kiểu như “độc giả cân nhắc trước khi đọc” (bìa “50 sắc thái”) hoặc “18+” (bìa cuốn “Chạm mở”) đều là do nhà xuất bản “sao y bản chính” của nước ngoài”.
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành |
Ông Hòa cũng công nhận, sách không có nhãn cảnh báo sẽ rất khó cho việc khoanh vùng đối tượng phục vụ. Ông cho biết: “tôi đã đọc loạt bài về “Sex trong văn chương” trên báo Tiền Phong Chủ nhật và thấy rằng đề nghị dán nhãn sách để khoanh vùng bạn đọc là cần thiết. Trong tương lai gần, Cục Xuất bản sẽ soạn thảo và xúc tiến việc hướng dẫn dán nhãn phân loại sách cho người lớn (bao gồm sách khoa học, tâm lý, giới tính hoặc tiểu thuyết có cảnh nhạy cảm…) để giúp nhà xuất bản định hướng bạn đọc, giúp công ty phát hành phục vụ đúng đối tượng, giúp người đọc đỡ mất thời gian lựa chọn, và giúp thư viện dễ phân loại”.
Ngoài ra, ông Hòa cũng khẳng định “Cục Xuất bản chưa bao giờ “đóng cửa” đối với những cuốn sách có nội dung nhạy cảm”. Đánh giá những cuốn sách có nội dung người lớn được xuất bản thời gian qua ông cho rằng “đa phần chưa phù hợp với thói quen tiếp nhận của người Việt. Bản thân ông cũng “đọc không nổi “50 sắc thái”.
Mong muốn “phân loại sách người lớn” để rộng đường xuất bản cho những cuốn có nội dung nhạy cảm thực ra đã xuất hiện từ lâu, kể cả từ phía người viết và độc giả.
Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất “Lam Vỹ” nhà văn Đỗ Hoàng Diệu kể chị đã từng phải tự cắt đi hơn chục trang sách có liên quan đến sex. Giới viết lách ở Việt Nam cũng quá quen với những “lời khuyên” của biên tập viên khi nhận bản thảo có cảnh sex: chú (em) viết thế này không qua được đâu, cắt hoặc là sửa đi!
Trong một topic xung quanh việc tìm hướng đi cho sách người lớn, 80% câu trả lời của độc giả là ủng hộ việc dán nhãn sách để những ấn phẩm dành cho người lớn không bị “gọt đầu gọt đuôi”. Độc giả Nguyễn Thị Hương đề nghị: “Việt Nam nên có quy định phân loại sách 16+, 18+ như duyệt phim. Như vậy mọi tranh luận về “sex hay không sex” sẽ hết và sách “người lớn” cũng được xuất bản danh chính ngôn thuận”.
Biên kịch Ngô Trần Hải nêu ví dụ: “Phim ảnh luôn đi trước văn học. Từ đầu năm nay, người đến rạp phim đã phải mang theo chứng minh thư. Phim ảnh từ lâu cũng đã có nhãn R, sách cũng nên có. Vào nhà sách ai mua sách này thì phải xuất trình chứng minh thư xem độ tuổi”.
Nhu cầu có thực về sách người lớn
Cũng trong topic về tìm hướng đi cho sách người lớn, một độc giả Việt kiều kể rằng: “Quá khó để tìm sách người lớn ở hiệu sách trong nước, vì phần lớn không có dán nhãn, cảnh báo và phân loại”. Độc giả này ngay lập tức nhận được 172 comment chỉ xoay quanh việc “mách” anh vào các trang đọc truyện online để tìm sách.
Ngoài bìa “50 sắc thái” có cảnh báo “độc giả cân nhắc trước khi đọc |
Thực tế, ở những trang đọc truyện online lớn nhất Việt Nam dành cho giới trẻ, thể loại truyện người lớn có hẳn một vị trí riêng, thường lấy tên là “truyện sắc”, trong đó phân ra “sắc thường” và “sắc nặng”. Cũng có một số nơi gọi là truyện có “H” (viết tắt của từ Hentai trong tiếng Nhật để chỉ truyện và phim hoạt hình khiêu dâm).
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc (ĐH Y Hà Nội) chia sẻ: “tôi có dịch một cuốn sách giáo dục giới tính cho trẻ em nhưng không được cấp phép vì lý do “nhạy cảm”. Trong khi, chính nội dung trong sách đó là giáo trình chúng tôi được WHO (tổ chức y tế thế giới) thông qua và cấp kinh phí để làm bài giảng cho trẻ em nghèo ở Việt Nam. Việc gọi đúng tên bộ phận sinh dục (thay vì dùng những cái tên nói lái tượng hình kiểu chim, con cò v.v…) trong giáo dục giới tính là rất quan trọng, nhất là trong các chiến dịch truyền thông chống xâm hại tình dục. Không hiểu vì sao đến nay chúng ta vẫn né tránh vấn đề này”.
Nguyễn Tuấn Việt (ĐH Widener, Mỹ) kể: “thời gian đầu khi “50 sắc thái” mới ra, nó từng bị một loạt thư viện ở Florida, Mỹ rút khỏi giá sách vì nội dung dâm dục, nhưng sau đó họ phải bày lại vì độc giả yêu cầu. Như vậy, ngay cả ở Mỹ cũng không hoàn toàn cởi mở về loại sách này. Nhưng độc giả mới là người có quyền quyết định tuổi thọ và số phận của nó chứ không phải do nhà xuất bản hay các cơ quan cấp phép”.
Văn học không thể “cắt” sex mãi
Nữ nhà văn người Anh, Scarlett Thomas khi trả lời bạn đọc trên The Guardian cho rằng: “nếu các trang sex của các nhà văn đều bị bỏ qua hoặc cắt xén, độc giả sẽ không tưởng tượng được mình sẽ mất đi nhiều thế nào”.
Theo Scarlett: “nhiều tác giả, càng nổi tiếng, càng được nhiều giải thưởng, càng lớn tuổi và chắc tay, thì cuốn sách càng trở nên sắc dục”. Cô dẫn chứng cuốn “The Dying Animal” của Philip Roth. “Đương nhiên không có người hiểu biết nào lại đi đọc “The Dying Animal” chỉ vì sex. Ở bề nổi, cuốn sách nói về sự ám ảnh của một người đàn ông với thân thể của người tình trẻ; sâu xa hơn, nó nói về sự yếu đuối của con người, sự già đi và cái chết. Cuốn tiểu thuyết thoải mái diễn tả những sung sướng cũng như đau đớn”.
Một “bom tấn” mới của văn chương Việt, cuốn “Đêm núm sen” mới xuất bản đầu tháng 5 của Trần Dần có rất nhiều đoạn sex được biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đánh giá: “Tả ái ân bao giờ cũng là một thách thức kinh khủng. Để sao cho chân thực mà không sượng, đẹp và sexy mà không thô tục. Trần Dần dành riêng một chương để viết về đêm ái ân đầu tiên của anh Gầy và cô Sứa, và tôi nghĩ đây là một trong những chương hay nhất, đầy cảm xúc, đầy chất thơ, và trong văn vắt. Đến ngày hôm nay, với tất cả những phương tiện nghe nhìn hiện đại, phim ảnh tràn lan, thì những con chữ của Trần Dần vẫn đẹp, vẫn tràn đầy sức rung động như thế. Tôi bỗng cảm thấy những câu chuyện tình yêu nghe xung quanh mình trở nên nhạt hoét”.
Nguyễn Huy Thiệp cũng đánh giá: “Trong “thời mạt pháp” như hiện nay, sex với ý nghĩa trong sạch và nhân văn trong phạm vi tương đối nào đó đúng là một đề tài hợp thời và “đỡ muối mặt” nhất cho những cây bút có tài và còn sĩ diện”.
Có lẽ, trên nguyên tắc khiêu dâm không có gì là xấu, vấn đề còn lại là ở mức độ văn hóa và vấn đề cũng ở chỗ là… ai khiêu dâm? Một thiếu nữ khiêu dâm rất có thể gắn với cái đẹp, nhưng nếu là ở một “bà đầm già” thì quả thật, chịu không thấu! Một nhà văn viết hay về khiêu dâm vẫn là một nhà văn hay. Còn nhà văn đã viết dở thì đến viết về thiên đàng cũng vẫn dở.
Trong tương lai gần, Cục Xuất bản sẽ soạn thảo và xúc tiến việc hướng dẫn dán nhãn phân loại sách cho người lớn (bao gồm sách khoa học, tâm lý, giới tính hoặc tiểu thuyết có cảnh nhạy cảm…) để giúp nhà xuất bản định hướng bạn đọc, giúp công ty phát hành phục vụ đúng đối tượng, giúp người đọc đỡ mất thời gian lựa chọn, và giúp thư viện dễ phân loại.