Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hàng trăm doanh nghiệp, khu công nghiệp trên cả nước; thanh tra hành chính và thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và tài nguyên môi trường của các đơn vị thuộc bộ.
Thanh tra nhiều đơn vị thuộc bộ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giao Chánh Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước tổ chức thanh tra trách nhiệm việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao về công tác phòng chống tham nhũng và tiết kiệm tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cà Mau.
Kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của UBND tỉnh, thành phố tại các tỉnh Bình Dương, Nam Định, TP. HCM, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Tp. Cần Thơ, Đồng Tháp. Bên cạnh đó, giải quyết đơn thư, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại Thái Nguyên, Cần Thơ, Đồng Nai; thanh tra việc quản lý dử dụng đất đai tại các nông, lâm trường ở một số tỉnh Tây Nguyên.
Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của Tổng cục tại Hà Nội, Thanh Hoá, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà.
Thanh tra thực hiện pháp luật về môi trường tại nhiều doanh nghiệp
Tổng cục Môi trường được giao thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Châu Giang và sông Duy Tiên.
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam và Đà Nẵng), khu vực phía Nam.
Danh sách đối tượng thanh tra tại khu vực phía Bắc gồm 90 doanh nghiệp, chẳng hạn như: Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội, Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng…
Tại khu vực miền Nam, dự kiến thanh tra 106 doanh nghiệp, trong đó có những tên tiêu biểu như: Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩy Thanh Lễ - TNHH MTV - chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1, Công ty Cổ phần Đại Nam - chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2, Công ty TNHH Tân Thuận, Công ty Cổ phần Hải sản Minh Phú Hậu Giang, Công ty Cổ phần VietStar, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta…
Danh sách đối tượng dự kiến thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vê môi trường tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên (tỉnh Quảng Nam) gồm 14 công ty: Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Chu Lai - Trường Hải, Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai…
Tại Đà Nẵng, thanh tra 13 doanh nghiệp, khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Liên Chiểu, Công ty Cổ phần thép Dana Ý, Công ty Cổ phần thép Dana Úc, Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng…
Đáng lưu ý, trong danh mục hàng trăm doanh nghiệp, khu công nghiệp dự kiến thanh tra việc thực hiện pháp luật về môi trường nêu trên lại không có tên Formosa Hà Tĩnh. Trong khi trước đó, năm 2016, sự cố về môi trường trên biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường
Ước tính, tổng kinh phí thực hiện thanh tra vào khoảng 34,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ quản lý hành chính của Thanh tra Bộ và các Tổng cục, Cục.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Chánh Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với các thủ trưởng, các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện kế hoạch tranh tra trên, căn cứ tình hình triển khai thực tế đề xuất việc điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.