Năm 2017, Hàn Quốc có hơn 40.000 nhà trẻ, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 30.900 cơ sở vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, khi dân số nước này đang già đi nhanh chóng, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã bùng nổ từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 2022, theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.
Các cơ sở dành cho người cao tuổi bao gồm viện dưỡng lão, bệnh viện chuyên khoa và các cơ quan phúc lợi. Trong khi đó, các cơ sở chăm sóc trẻ em được liệt kê bao gồm các nhà trẻ tư nhân và nhà nước.
Sự thay đổi giữa hai loại hình cơ sở dịch vụ công này cho thấy bài toán dân số già vẫn khiến các nhà chức trách Hàn Quốc đau đầu. Quốc gia Đông Bắc Á này là một trong những nước có dân số già nhanh nhất thế giới và có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, tỷ lệ này đã liên tục giảm kể từ năm 2015, mặc dù các nhà chức trách đưa ra các ưu đãi tài chính và trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh thấp bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa làm việc khắt khe, tiền lương trì trệ, chi phí sinh hoạt tăng, gánh nặng tài chính khi nuôi dạy con cái, thay đổi quan điểm đối với hôn nhân và bình đẳng giới, và sự vỡ mộng ngày càng tăng ở thế hệ trẻ.
Vào cuối những năm 2000, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cảnh báo rằng cần có các biện pháp chính sách để khuyến khích các gia đình phát triển. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận rằng hơn 200 tỷ USD đã được chi ra để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua.
Nhưng cho đến nay, các nỗ lực đó vẫn chưa có cho thấy hiệu quả.
Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.
Ở thành phố Daejeon, phía nam Seoul, một ngôi trường bỏ hoang đã trở thành địa điểm nổi tiếng cho các nhiếp ảnh gia tới chụp lại những hành lang trống rỗng và sân trường mọc đầy cỏ dại.
Các cuộc khủng hoảng dân số đã xảy ra ở các nước trong khu vực. Một ngôi làng ở Nhật Bản đã trải qua 25 năm mà không ghi nhận một ca sinh nào. Sự ra đời của một em bé vào năm 2016 được coi là một điều kỳ diệu.
Trong khi đó, dân số già ngày càng tăng của Hàn Quốc đồng nghĩa với sự bùng nổ nhu cầu về các dịch vụ dành cho người cao tuổi, gây căng thẳng cho một hệ thống đang ngày càng quá tải.
Hàn Quốc có tỷ lệ người già nghèo đói cao nhất trong số các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), với hơn 40% người trên 65 tuổi phải đối mặt với tình trạng “nghèo tương đối”, mà theo định nghĩa của OECD là có thu nhập thấp hơn 50 % thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình.
“Ở Hàn Quốc, hệ thống lương hưu vẫn đang hoàn thiện và các thế hệ hiện tại vẫn có mức lương hưu rất thấp”, OECD cho biết trong một báo cáo năm 2021.
Các chuyên gia chỉ ra các yếu tố khác như xu hướng kinh tế toàn cầu, sự phá vỡ các cấu trúc xã hội cũ khiến con cái không quan tâm cha mẹ, chính phủ không dành nhiều khoản hỗ trợ tài chính lương hưu và phúc lợi,...
Điều này khiến ngày càng nhiều người già vô gia cư, những người thuộc thế hệ đã giúp tái thiết đất nước sau Chiến tranh Triều Tiên, phải tìm kiếm sự trợ giúp từ các trung tâm cơ nhỡ và bếp ăn tập thể.