Sự bần cùng hóa trong 'cỗ máy xay' nhân lực khổng lồ

Giữa thành phố hoa lệ là cuộc sống bấp bênh của những lao động nghèo khó. Họ không dám ăn, không dám mặc, không dám đẻ vì sợ sẽ không... sống được.
Sự bần cùng hóa trong 'cỗ máy xay' nhân lực khổng lồ

5 năm chưa dám sex

Anh Cường bán báo ở góc đường Đồng Khởi. Chị Lan đi giúp việc, nấu ăn cho người nhà người ta. Anh chị bảo đã 5 năm rồi không dám ngủ gần nhau nữa. Vì sợ. Bây giờ mà “lòi” ra một đứa nữa thì không biết phải giải quyết thế nào. Nhà chị đã có 2 đứa con, thằng Khánh học lớp 10 và con Thảo học lớp 6. Anh chị bây giờ sống trong căn nhà trọ gần 10m vuông, bốn người ngồi bó gối còn chạm nhau, ở đường Bình Trưng quận 2. Trong ngăn bàn học của sắp nhỏ có tờ giấy báo đến hạn nộp học phí. Một tờ tám trăm, một tờ triệu hai. Mà báo dạo này khó bán, có ngày anh Cường chẳng bán được tờ nào.

Anh Cường mắc bệnh bong giác mạc, không có hướng điều trị, đã bị mù gần 10 năm nay. Anh cứ đứng im ở góc đường Đồng Khởi, trên tay có một miếng giấy ghi dòng chữ bằng tiếng Anh, một ông Tây nào đã viết hộ. “Tôi bị mù từ 8 năm nay, xin hãy mua báo để giúp tôi”- tờ giấy nhỏ viết.

Anh bán báo Tây đã 20 năm nay. Trên tay anh là những tờ báo uy tín hàng đầu thế giới. The New York Times, TIME, The Economist. Anh phân biệt các tờ báo bằng kích thước, và tất nhiên không biết chúng viết gì.

Bán báo Tây lãi nhiều hơn, bảy chục một tờ Time, trăm ba chục ngàn một tờ The Economist, là đã rẻ hơn giá bìa rất nhiều. Nhưng thứ báo chí này quá đỗi xa xỉ với đại chúng, thỉnh thoảng lắm mới có khách Việt Nam hỏi mua, còn khách Tây, ngày anh mới bán cũng có nhiều. “Bây giờ có Internet rồi người ta đâu có mua báo nữa đâu, vô mạng đọc hết, 10 khách giờ chỉ còn 3”. Anh bán báo mù ở Quận 1 cũng đọc được đúng diễn biến của thị trường báo chí thế giới: 71% cũng là tỷ lệ sụt giảm doanh thu quảng cáo của thị trường báo chí Mỹ kể từ khi Internet bùng nổ quãng năm 1999-2000. Có những đận nhiều ngày anh chẳng bán được tờ báo nào, anh phải mượn vài chục của những bạn vỉa hè để đi xe bus về nhà. Chị Lan tặc lưỡi, ổng đi ra đường tự lo thân ông là tốt lắm rồi. Mỗi tháng chị kiếm được 2 triệu rưỡi tiền đi làm mướn, đủ trang trải tiền ăn trong nhà.

Sự bần cùng hóa trong 'cỗ máy xay' nhân lực khổng lồ ảnh 1

Anh cứ đứng im ở góc đường Đồng Khởi, trên tay có một miếng giấy ghi dòng chữ bằng tiếng Anh, một ông Tây nào đã viết hộ. “Tôi bị mù từ 8 năm nay, xin hãy mua báo để giúp tôi”- tờ giấy nhỏ viết.

Thằng Khánh năm nay mới 16, đã bắt đầu đi phụ bàn cho nhà hàng vào những dịp cuối tuần. Mỗi tháng cũng được hơn triệu bạc, nó tự lo tiền đi học cho mình và em. Nhưng giật gấu vá vai thế nào cũng không đủ.

Gia đình nhỏ ấy chỉ là một hình mẫu tiêu biểu cho những lao động phổ thông ở đất Sài Gòn. Cuộc sống bấp bênh. Môi trường sống độc hại. Đợt trước, có người bán rẻ cho chị Lan cái xe đạp để thằng Khánh đi học. Mỗi tháng chị trả góp một trăm ngàn, trả được gần một năm gần hết chiếc xe thì nó bị cướp. Hai thằng cướp chặn xe Khánh lại, nó nhất quyết không giao xe mà giữ cự nự. Thằng Khánh bị đâm một nhát dao may mà không nguy hiểm tính mạng.

Đi qua hầm Thủ Thiêm, sang quận 2, đi qua cầu Cá Trê Lớn, Cá Trê Nhỏ, rồi rẽ vào bất kỳ một khu trọ nào của những lao động phổ thông xứ này, đều có thể gặp những gia đình bấp bênh như thế. Gia đình anh Cường chị Lan còn may mắn tìm được một căn nhà trọ giá rẻ (chị Lan bảo nó phải đi qua nghĩa trang nên rẻ hơn), còn những gia đình khác, chấp nhận sống những khu ổ chuột đúng nghĩa, sình lầy rác rến đầy sung quanh, muỗi vắt và bệnh tật rình rập bất cứ lúc nào. Phần lớn lực lượng công nhân, thợ hồ, làm mướn trong thành phố đều tập trung ở những khu vực như thế này. Và không biết bao nhiêu gia đình mà đến ngủ gần nhau cũng không dám như anh Cường và chị Lan.

Hỏi chuyện đi học đại học của thằng Khánh, anh Cường chép miệng, chẳng biết có theo được đến lúc tốt nghiệp phổ thông không mơ gì đến đại học. Có thể con đường của nó đã được định sẵn: Nó sẽ lại tiếp tục trở thành công nhân, hoặc là làm mướn gì đó. Nghề bán báo gia truyền vốn được truyền từ thời ông nội- một ông “Ba Tàu bán báo” ở khu vực chợ Bến Thành- chắc không duy trì được. Gương mặt nó sáng sủa, giấy khen gián đầy nhà, nhưng một tương lai bấp bênh đang chờ đợi. Mơ ước của gia đình bây giờ chỉ là gom đủ tiền để mua cho nó cái bảo hiểm y tế tự nguyện.

Từ an sinh đến an ninh

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Và ở trung tâm của những khu công nghiệp, trung tâm của ngành xây dựng này, tạo ra một cỗ máy xay nhân lực trình độ thấp lớn khủng khiếp. Tỷ lệ thất nghiệp không cao, nhưng việc làm, ngay cả khu vực chính thức, có ký hợp đồng cũng vô cùng bấp bênh.

Hãy bước vào xóm thợ hồ lẩn khuất sau những đám lau lách trên đường Mai Chí Thọ, Quận 2, ngay phía sau khu đô thị lộng lẫy Imperia An Phú. Ở đó bạn sẽ bắt gặp những gia đình những đứa trẻ đang lay lắt sống qua ngày. Không phải ai cũng có hợp đồng lao động đàng hoàng, không phải ai cũng làm được một tháng hơn 20 ngày công. Có những người đã 3 năm không mua nổi vé về quê thắp hương cho ông bà. Trong một góc nhà, bạn nhìn thấy tấm thẻ ra vào công trường: Con Trinh nó mới 16 tuổi, người bé như cái kẹo, chứng minh thư cũng chưa có (vì nhà nó không có tiền về quê làm chứng minh thư), nhưng đã phải đi mượn “tên” người khác để làm công nhân xây dựng.

Sự bất ổn không chỉ được tao ra bởi tình hình kinh tế. Các chủ nhân lực có đủ lý do để “xay” nhân lực theo một guồng quay có lợi nhất. Chiêu bài tìm cớ đuổi việc công nhân cũ để tuyển công nhân mới, rồi lại có thời gian trả lương thử việc thấp hơn để tiết kiệm chi phí, được áp dụng ở rất nhiều nhà máy có chủ đầu tư nước ngoài. Hợp đồng lao động có thể là một thứ xa xỉ với rất nhiều nhà thầu phụ.

Vùng kinh tế này vẫn đầy rẫy các bất cập về an sinh, từ giáo dục, y tế đến chính sách lao động. Quốc lộ 1K đoạn qua Biên Hòa, Đồng Nai mới tháng 2 đây thôi, còn ách tắc bởi hàng nghìn công nhân của nhà máy PouChen (100% vốn Đài Loan) đình công. Những cuộc đình công như thế có thể bắt gặp ở khắp nơi, từ TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai. Lý do phần lớn xuất phát từ nhu cầu rất đỗi cơ bản của con người, như là chuyện nghỉ ốm, hay chất lượng bữa ăn.

Sự bần cùng hóa trong 'cỗ máy xay' nhân lực khổng lồ ảnh 2

Hình ảnh khu ổ chuột ở TP.HCM. Ảnh internet.

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh không đồng nghĩa với việc nâng cao mức sống cho người lao động. Hồi tháng 2 mới đây, công nhân công ty Nissey Việt Nam đình công vì cứ 1 năm thâm niên họ chỉ được tăng thêm 20.000 nghìn đồng. Sự bất ổn luôn rình rập. Họ có rất nhiều lý do để bỏ việc, để trở thành thất nghiệp và vạ vật đi tìm một cơ hội vô hình nào đó. Từ bữa ăn ở nhà máy quá tồi tệ, không được đi vệ sinh cho đến bị ép phải nghỉ. Cơ hội việc làm cho những người như anh Cường, chị Lan và thằng Khánh quẩn quanh trong những cái “hố” như thế. Và sự bất ổn định trong cuộc sống của chính những con người, dẫn đến vấn đề trật tự trị an chỉ là một bước.

Các nghiên cứu xã hội học từ lâu đã chỉ ra rằng tỷ lệ tội phạm có liên quan mật thiết đến vân đề an sinh xã hội. Bạn có thể tìm thấy hàng nghìn đầu sách về chủ đề này trên Google. Và khi mà tỷ lệ tội phạm ở TP.HCM trở thành một vấn đề nhức nhối, khi mà không còn một cư dân TP.HCM nào giám nghe điện thoại ngoài đường hay thậm chí là đeo túi xách khi di chuyển trên phố, thì vấn đề đặt dấu hỏi ở đây là an sinh xã hội được đảm bảo như thế nào.

Kể từ khi TP.HCM có tân Bí thư Thành ủy, các biện pháp an ninh được thắt chặt. Lực lượng cảnh sát tuần tra thường xuyên hơn trên phố, các chuyên án được thành lập và bắt giữ được nhiều đối tượng. Tuy nhiên hành pháp chỉ là “ngọn” của vấn đề: Bạn có thể cảm thấy cảm yên tâm hơn khi di chuyển trên những con phố của các quận 1, quận 3 với những bóng áo xanh cảnh sát cơ động lòng vòng bên cạnh; nhưng cách đó hơn 10 Km, ở quận 2, trong một khu trọ tồi tàn, không một lực lượng “trăm tay nghìn mắt” nào đảm bảo cho thằng bé như Khánh tránh được một nhát dao vì chiếc xe đạp nó mới mua. Có bao nhiêu đứa trẻ như Khánh, đang lớn lên trong những môi trường như thế, không có tương lai nào chờ đợi. Và có bao nhiêu trong số thanh niên ấy sẽ quyết định chọn con đường cùng quẫn nhất, tồi tệ nhất, là lượn chiếc Honda ra đường và trở thành tội phạm?

Những lao động phổ thông không chỉ đối mặt với nguy cơ bị bần cùng hóa về tài sản, bởi đồng lương chỉ đủ lo cho cuộc sống qua ngày. Nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với họ là bị bần cùng hóa về tinh thần. Trong môi trường của những xóm trọ tù túng, thiếu điện, thiếu nước sạch, sự tồn tại trở thành một cuộc khổ hình. Những lớp học dành cho đối tượng con em những lao động này cũng đã được nhiều bạn trẻ và tình nguyên viên nước ngoài thành lập nên, nhưng chúng vẫn quá mỏng manh để xóa đi sự tù mù trong tương lai của thế hệ sau. Và có lẽ TP. HCM còn phải đối mặt với bài toán trật tự trị an trong nhiều năm nữa, nếu nguồn lực để giải toán an sinh xã hội, cũng như việc siết chặt các chính sách sử dụng lao động không được cải thiện.

Anh Cường và chị Lan có lẽ đã đúng đắn khi quyết định rằng sẽ không có thêm một đứa trẻ nào nữa ra đời. Với tình hình hiện tại, không ai biết điều gì đang đón đợi nó, thậm chí là việc nó có thể trở thành một người lương thiện hay không cũng không ai dám chắc.

Đức Hoàng

Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.